Ông đánh giá như thế nào về tình hình tăng trưởng kinh tế trong quý I?
Quý I/2019 tăng trưởng duy trì được tốc độ khá, đạt 6,79%. Con số này tuy thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng chúng ta phải hiểu rằng mức tăng 7,45% thời điểm đó là đột biến, chứ thông thường, quý I sẽ tăng thấp hơn các quý sau.
Số liệu cũng cho thấy tăng trưởng quý I/2019 đạt cao hơn mức bình quân của 10 năm. Điều này đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có rủi ro, thách thức nhất định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang nổ ra thì phải nói việc duy trì được đà này là khá tốt.
Năm 2019 còn là năm bứt phá của việc thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020). Với kết quả vừa qua cho chúng ta một kịch bản là năm 2019 sẽ đạt được mục tiêu đề ra là GDP đạt 6,8%.
Qua số liệu của Tổng cục Thống kê, theo ông, có chỉ số kinh tế nào cần lưu ý?
Với một độ mở kinh tế lớn gần 200% GDP, Việt Nam đang nằm trong top 7 của thế giới. Trong khi đó, tình hình kinh tế toàn cầu được dự báo không mấy thuận lợi, giảm từ 3,8% năm 2018 xuống còn 3,5%, mới đây là 3,3% - theo OECD. Điều này khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Thực tế thì xuất khẩu của quý I năm nay cũng tăng thấp hơn nhiều so với nhiều so với các năm trước. Trong đó, mặt hàng điện thoại, linh kiện vốn có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong quý I này cũng có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu thuỷ sản cũng giảm. Một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi trong nông nghệp cũng không tốt lắm. Bên cạnh đó, đầu tư công tăng chậm...Đây là một số điểm đáng lưu ý trong quý I.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có cần lo lắng về chu kỳ khủng hoảng 10 năm?
Tôi thì không lo lắng về rủi ro của chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam cần phải tập trung đến phát triển nội lực của nền kinh tế, tức là cộng đồng doanh nghiệp thị trường trong nước.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV đang tiếp tục gặp khó khăn. Sức ép từ đầu tư nước nước ngoài ngày càng lớn, môi trường cạnh tranh khốc liệt càng lúc càng gây áp lực cho doanh nghiệp nội địa.
Mặt khác, trong bối cảnh cách mạng 4.0, khi mà yếu tố công nghệ đóng vai trò quyết định thì máy móc, thiết bị của Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cần thêm những chính sách hỗ trợ cho DNNVV.
Tôi rất mừng là ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 09, đưa ra các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2019. Đây là điểm đặc biệt quan trọng, cần phải hậu kiểm chính sách để giúp môi trường đầu tư thuận lợi hơn, doanh nghiệp nội địa dễ dàng mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại.
Quay lại cái tôi nói lúc đầu, là những bất định của kinh tế thế giới cùng sự suy giảm chung của nó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho nội lực của mình. Thị trường 96 triệu dân của Việt Nam rất hấp dẫn, đó là lý do tại sao các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại hàng đầu trên thế giới hầu hết đã chọn đầu tư. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, những người làm chính sách là phải đẩy nhanh việc này lên, để hỗ trợ hàng Việt tại thị trường Việt.
Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm nay theo ông sẽ là gì? Hiện tại nhiều địa phương đã có cơ chế đặc thù, ví dụ như Nghị quyết của Bộ Chính trị cho Đà Nẵng, Hải Phòng. Việc các địa phương dần có cơ chế riêng liệu có thể trở thành một động lực mới đóng góp vào tăng trưởng chung?
Chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Động lực đầu tiên tôi muốn nói ở đây là vấn đề về thể chế. Chúng ta cần hoàn thiện thể chế hiện đại và đồng bộ, đặc biệt có những cơ chế đặc thù để tạo ra các cực phát triển.
Thứ hai, trong thời kỳ cách mạng 4.0, con người là yếu tố quan trọng. Nếu có cơ chế thích hợp, chúng ta sẽ tạo dựng được một nguồn lực chất lượng cao, kết hợp giữa tri thức người Việt Nam trong và ngoài nước, đây là điều kiện để tăng trưởng bứt phá.
Điểm quan trọng nữa là chúng ta phải giải quyết được bài toán về kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không... Hiện tại logistics của Việt Nam đang rất cao.
Dự báo gần đây cho thấy nợ công Việt Nam sẽ về dưới 60% GDP. Đây là điều rất tốt khi tạo ra dư địa để mở rộng đầu tư công vào hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Chính giao thông sẽ tạo ra sự bứt phá, cho nên, tôi nghĩ rằng năm nay giao thông phải là điểm nhấn.
ADB gần đây nhận định GDP Việt Nam 2019 sẽ đạt khoảng 6,8%, là một mức khả quan. Nó thể hiện đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế nhìn tăng trưởng Việt Nam tốt. Nhưng để tăng trưởng mạnh hơn, như tôi đã nói, giao thông cần được ưu tiên mạnh mẽ.
Cảm ơn ông!