Thiệt hại của cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra ở quy mô lớn được dự báo lên đến 470 tỷ USD, theo Bloomberg Economics.
Cuộc chiến thương mại có thể xảy ra này là sản phẩm của chủ nghĩa bảo hộ, diễn ra trong bối cảnh những cố gắng toàn cầu hoá được tăng cường, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết.
Việt Nam là một thành viên tích cực của Hiệp định CPTPP. Việt Nam mạnh mẽ trong việc tham gia hội nhập, kết nối với thế giới. Việt Nam cũng có mối quan hệ thương mại sâu, rộng với hai nền kinh tế lớn nhất – nhì đang ở hai phía đối đầu...
Vậy, liệu cuộc chiến thương mại toàn cầu rốt cuộc có xảy ra hay không? Và giữa những bất ổn toàn cầu như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT về những vấn đề trên.
Theo nghiên cứu của ông, liệu có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu hay không sau các động thái của Tổng thống Trump và phản ứng từ phía Trung Quốc?
- Chiến tranh thương mại là cuộc chiến có không có bên thắng cuộc. Tất cả các bên tham gia cuộc chiến này đều sẽ chịu thiệt hại. Nhìn từ lợi ích, một cuộc chiến tranh thương mại chỉ xảy ra trong trường hợp vô cùng hãn hữu. Đó là khi một trong các bên muốn phá bỏ và thiết lập lại luật chơi mới.
Theo quan điểm của tôi, khó có thể xảy ra chiến tranh thương mại quy mô lớn. Xung đột nhỏ có thể xảy ra nhưng tất cả các bên đều ý thức được thiệt hạị.
Tuy nhiên, kể cả khi chiến tranh thương mại nổ ra, nó cũng là vì lợi ích. Đe dọa chiến tranh thương mại cũng có thể là công cụ trong bài toán lợi ích đó.
Những diễn biến hiện nay chỉ cho thấy nguy cơ chiến tranh thương mại là lời đe dọa để Mỹ đạt lợi thế. Mấu chốt của vấn đề là do Mỹ thâm hụt thương mại lớn với các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Với chiến lược từ bỏ các hiệp định đa phương chuyển sang ký hiệp định song phương, nguy cơ từ chiến tranh thương mại là công cụ tốt để ông Trump kiếm lợi khi đàm phán song phương cũng như quá trình đàm phán lại các FTA.
Như vậy những màn "đấu khẩu" giữa Bắc Kinh và Washington chưa thực sự đáng lo ngại?
Ở một số góc độ nhất định là có. Tuy nhiên, nó tùy thuộc vào các hoạt động tiếp theo của các bên là leo thang hay xuống thang, có thể gây ra các diễn biến phức tạp hơn hay không. Nếu các bên trả đũa nhau một cách tương đương, đó là một cuộc chiến thương mại toàn diện. Nếu không, các hoạt động đe dọa cũng chỉ là động thái dè chừng lẫn nhau.
Thời gian gần đây, tất cả các biến động về thương mại hay địa chính trị, Trung Quốc luôn là bên có lợi. Việc Mỹ áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc vẫn chưa phải quá lớn. Bắc Kinh có trả đũa hay không phụ thuộc vào việc đánh thuế những mặt hàng gì, có phải là sản phẩm chiến lược của Trung Quốc hay không. Nếu là những mặt hàng có giá trị nội địa cao, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân, Trung Quốc có thể phản ứng mạnh mẽ.
Ngoài ra, hành động của các bên cũng có thể tùy thuộc vào phản ứng của các đối tác thương mại khác có liên quan tới Trung Quốc và Mỹ. Chính sách ngoại trừ cũng cho thấy ông Trump đang dè chừng.
Theo ông, nếu chiến tranh thương mại thực sự nổ ra thì ngành nghề nào của Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất?
Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại sẽ có hai chiều, kể cả ngành thép hay các ngành khác. Nếu chiến tranh thương mại chỉ xảy ra cục bộ trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi không xuất khẩu được sang Mỹ, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trong trường hợp giá thép, việc thép Trung Quốc đổ vào Việt Nam có thể khiến giá giảm xuống, gây tác động tới các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, người dùng sẽ được hưởng lợi nếu nhìn theo nhu cầu.
Chiến tranh thương mại cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tăng trưởng năm 2017 có nhiều thuận lợi từ tác động của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam có thể khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Hiện tại, Mỹ tuyên bố đánh thuế vào lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chỉ đáp trả bằng việc áp thuế các mặt hàng trị giá 3 tỷ USD. Động thái này chỉ mang tính biểu tượng.
Hiện tại, cần thêm những số liệu cụ thể để khẳng định chiến tranh thương mại sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam.
Chiến tranh thương mại nếu xảy đến có tác động đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam hay không?
Với những rủi ro như đã nói, các bên đang tiến hành các động thái ở mức độ thăm dò nên sẽ chưa ảnh hưởng quá lớn tới thương mại và đầu tư. Có chăng nó chỉ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tôi không cho rằng nó có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, các chuyên gia kỳ vọng rất cao về tăng trưởng. Nó lại tiếp tục biến thành động lực. Tôi tự tin Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng cao năm 2018.
Với việc Mỹ liên tục đe dọa áp dụng các biện pháp cứng rắn với các nước có thặng dư thương mại lớn với họ, liệu có hy vọng Mỹ quay lại bàn đàm phán TPP không?
Ở thời điểm chuẩn bị ký CPTPP, Mỹ có động thái cho thấy họ sẵn sàng trở lại nếu có một thỏa thuận đủ tốt. Nó cho thấy, với Mỹ, CPTPP hay nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến tranh thương mại cũng chỉ bởi lợi ích.
Ở thời điểm này, nhắc tới chiến tranh thương mại, chúng ta chỉ nghĩ tới mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. TPP trước đây hay CPTPP hiện nay đều không có bất cứ liên quan gì tới Trung Quốc.
Với những gì đang diễn ra, Mỹ muốn lấy lại cân bằng quan hệ thương mại, giảm thâm hụt. Chiến tranh thương mại hay rút khỏi TPP cũng chỉ là công cụ nhằm vào một mục tiêu.
Vậy doanh nghiệp Việt có thể tận dụng gì với CPTPP khi rủi ro chiến tranh thương mại đang lơ lửng?
Ngay cả khi ký kết các hiệp định, chiến tranh thương mại vẫn có thể nổ ra. Trong các FTA đều có chương liên quan tới giải quyết tranh chấp. Với CPTPP, Việt Nam có lợi thế hơn. Nếu tranh chấp nổ ra, giải quyết tranh chấp thương mại có thể được thực hiện nghiêm túc hơn.
Như tôi đã nói, lợi ích trực tiếp từ CPTPP trong việc cắt giảm thuế quan ko nhiều. Chính vì thế, hiệp định này không thể trở thành nơi trú ẩn khi chiến tranh thương mại nổ ra. Nó phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp trong việc thích nghi và tìm các thị trường mới.