TS. Trương Văn Phước: Giữ vững "phòng tuyến" ổn định tỷ giá để lạm phát không tràn vào

19/09/2022 07:45
Bên cạnh ổn định lãi suất, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá.

Tại phiên tọa đàm cấp cao "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, chiều 18/9, trả lời câu hỏi vấn đề lạm phát hiện nay có đáng lo ngại hay không, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu cân bằng lạm phát và cung ứng cho nền kinh tế, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN phải giải bài toán tổng thể với nhiều yếu tố khác nhau.

"Mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này", Phó thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Không để VND rơi vào vòng xoáy mất giá

Theo Phó thống đốc NHNN, thực tế trong năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động rất phức tạp và khó lường, chưa từng có tiền lệ. Các biến số đó làm cho rủi ro của các nền kinh tế, đặc biệt cho hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn. Do đó, kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn.

Để chống lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương đã tăng nhanh và tăng mạnh lãi suất, dẫn đến nguy cơ suy thoái.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trước bối cảnh đó, NHNN đã gặp nhiều khó khăn trong điều hành và thực tế trong 8 tháng qua NHNN đã sử dụng nhiều công cụ, biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất, cố gắng không để rơi vào vòng xoáy mất giá đồng nội tệ như nhiều nước.

"Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài, chúng ta mới chỉ tạm yên khi chỉ số CPI tạm dừng lại sau khi tăng liên tục trong các tháng trước và khả năng kiểm soát lạm phát của cả năm 2022. Dù vậy, vẫn còn nhiều áp lực về kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới và các năm tiếp theo vẫn còn, nên không thể chủ quan được trong công tác điều hành", Phó thống đốc NHNN nói.

TS. Trương Văn Phước: Giữ vững phòng tuyến ổn định tỷ giá để lạm phát không tràn vào - Ảnh 1.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Nói thêm về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong hơn 10 năm qua, biện pháp hành chính đã thể hiện được sự hiệu quả trong ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Trong 10 năm trở lại đây, NHNN đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12 – 14%. Nhờ đó, đã đạt được ổn định vĩ mô trong hơn 10 năm qua.

Cũng theo Phó thống đốc NHNN, để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng. Bản thân nền kinh tế cần có vốn đầu tư của các chủ thể như vốn từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu), đầu tư công cũng là một nguồn rất quan trọng, hay nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những kênh dẫn vốn cho nền kinh tế do đó cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này.

"Trong nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Theo thống kê trong 10 năm qua, quy mô nền kinh tế tăng 2,7 lần, trong khi đó, quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Như vậy tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 80% lên mức hiện nay là trên 124%", Phó thống đốc cho hay.

Ông cho biết thêm, năm nay, NHNN đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng thực hiện hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14%, là mức cao hơn hai năm trước. Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới thắt chặt, áp lực lạm phát cao, NHNN vẫn cố gắng để đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hai năm trước.

Tín dụng thực tế đã tăng nhanh từ đầu năm, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cố gắng kiểm soát lĩnh vực rủi ro. Hiện nay đã tăng hơn 10%, tăng nhanh hơn cùng kỳ.

Phó thống đốc cho biết, có ý kiến cho rằng nới tăng trưởng tín dụng thêm vài % nữa, tuy nhiên hiện nay hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng đã gần như đạt 100%, tức là đã sử dụng gần hết vốn huy động để cho vay. Nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài % nữa thì nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống cũng như mặt bằng lãi suất sẽ lập tức dâng lên.

"Gần đây Moody's có nâng hạng thị trường của Việt Nam nhưng cũng đi kèm cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP đang trên 124% và tỷ lệ tổng tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trên tổng GDP là 187%, tức là đòn bẩy rất lớn. Do vậy ảnh hưởng đến rủi ro an toàn tài chính trong tương lai", Phó thống đốc nói thêm.

Từ những yếu tố trên NHNN cần hết sức thận trọng trong điều hành tăng trưởng tín dụng. Hiện nay NHNN vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng là 14%, không điều chỉnh giảm và thấy đó là mức phù hợp.

Có hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát?

Bình luận về những giải pháp kiềm chế lạm phát, mà Phó thống đốc Phạm Thanh Hà nêu, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cho rằng, tình hình lạm phát toàn cầu là một hiện tượng phổ biến và nhiều ngân hàng trung ương các nước đã phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Như vậy có thể thấy lãi suất vẫn là công cụ chính để kiềm chế lạm phát.

Có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về vấn đề tăng lãi suất nhưng theo TS. Trương Văn Phước có ba mục tiêu chính. Thứ nhất, thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao.

Thứ hai là làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Sau đại dịch COVID-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải: giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng.

Thứ ba, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. "Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng", TS. Trương Văn Phước khẳng định và khuyến nghị NHNN cần cố gắng ổn định lãi suất là tốt nhất.

Vấn đề thứ hai là về tỷ giá, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. "Đây là 'phòng tuyến sông Cầu', nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào", ông nhấn mạnh.

Ông Phước đánh giá, thời gian vừa qua, NHNN đã làm tốt việc giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá này.

Theo vị chuyên gia, NHNN đứng trước khó khăn là điều hành tỷ giá thì phải can thiệp mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu không phải là dễ dàng. Như vậy, để hóa giải được vấn đề này NHNN cần mở rộng cho vay ngoại tệ xem như cầu về ngoại hối hiện nay sẽ dịch chuyển về trong tương lai.

"Đương nhiên sẽ có câu hỏi vì sao chúng ta đang chống đô la hóa mà lại hỗ trợ cho vay ngoại tệ. Đây là vấn đề cần cân nhắc và sự đánh đổi đó là cần thiết cho Việt Nam chúng ta", ông Phước nêu quan điểm.

Về vấn đề cung tiền, ông Phước cho biết các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để hạn chế cung tiền, Việt Nam không tăng lãi suất mà vẫn kiểm soát được cung tiền vì có hạn mức tín dụng.

"Hạn mức tín dụng là điều gây nên rất nhiều tranh cãi nhưng theo tôi hạn mức tín dụng cần duy trì trong một thời gian nữa, chừng nào có thể Việt Nam cũng như thế giới có thể ổn định được lạm phát", ông Phước nói thêm.

TS. Trương Văn Phước: Giữ vững phòng tuyến ổn định tỷ giá để lạm phát không tràn vào - Ảnh 2.

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tham gia thảo luận, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức.

Theo đó, nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ: lạm phát và suy thoái. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Võ Trí Thành, lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.

"Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định", ông Thành đánh giá.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

Nói thêm về trần tín dụng, TS. Võ Trí Thành cho rằng con số 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn.

Ông phân tích, tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn. Đó sẽ là cơ sở để tính toán mức tăng tín dụng hợp lý.

Cuối cùng, ông lưu ý cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
5 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
3 giờ trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
3 giờ trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
2 giờ trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
34 phút trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
3 phút trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
3 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.
Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
18 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
2 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.