Hội nhập vừa kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Quy Nhơn chiều 11/4, bàn về động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh của ngành hàng không trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có rất nhiều lý do, có thể do nhu cầu của tầng lớp trung lưu trẻ, của những người lớn tuổi có tiền, xã hội ngày càng già hoá thì tầng lớp này càng đông đảo.
Ngoài ra, một đối tượng nữa là những người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017, có 144.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài, đó là chưa tính tới lượng khách du lịch, phần lớn từ các nước khác đến Việt Nam.
"Có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này vừa kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam", ông Thành giải thích.
Cũng theo ông Thành, cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua chính là sự cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu đều không có.
"Cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng vẫn có điểm riêng biệt. Chúng ta phải hiểu cuộc chơi các công ty hàng không và cách điều hành của nhà nước. Số lượng các hãng hàng không không thể vô hạn như taxi hay viễn thông, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn phải có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó", ông Thành nói.
Đặc điểm an ninh quốc phòng vận hành hàng hóa, vận hành bay là vấn đề mở cửa thị trường mà vai trò dẫn đắt của nhà nước là quyết định vì đàm phán mở cửa bầu trời là song phương nhưng mục đích là kết nối cả thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần có sự hợp tác giữa các hãng hàng không với nhà nước để chọn cách mở cửa hàng không tốt nhất, tạo ra cách mở cửa bầu trời, kết nối với thế giới, ông Thành nói thêm.
Cạnh tranh để cùng phát triển, không phải để thắng đối thủ
Cùng bàn về vấn đề cạnh tranh của ngành hàng không hiện nay, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng: Cạnh tranh ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Lĩnh vực nào Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, không thì để tư nhân làm.
"Ngoài cạnh tranh giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước, cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì đặc điểm của hàng không là cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng. Vì chúng tôi cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ không tốt đi", ông Thắng nói.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực hãng hàng không Bamboo Airways (phải) và ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air
Đồng quan điểm, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air cho rằng: "Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa cơ hội phát triển rất lớn. Thay vì nói câu chuyện cạnh tranh và các đối thủ chiến đấu với nhau, từ khi VietJet ra đời đến nay có thêm Bamboo Airways, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà phải làm thật tốt công việc, làm thật tốt dịch vụ của mình và có sáng tạo".
Cũng theo ông Tùng, nếu các hãng hàng không trong nước có cạnh tranh thì phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài khi mở cửa bầu trời, chứ không phải các hãng trong nước "chiến đấu" với nhau.