Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,71 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,79 tỷ USD, tăng 5,8%.
So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 tăng 7,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,404 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, mặc dù xuất khẩu 5 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng có xu hướng tăng dần qua các tháng. Cụ thể, 2 tháng tăng 4,2%, 3 tháng tăng 5,3%, 4 tháng tăng 6,5% và 5 tháng tăng 6,7%.
Nhận định về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng trưởng 6,7%, mức tăng này khá thấp so với “thông lệ” của Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức tăng này cũng rất tích cực so với nhiều nước ở khu vực.
Số liệu gần đây cho thấy, có rất nhiều nền kinh tế tăng trưởng xuất khẩu âm trong 3 tháng đầu năm như: Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore hoặc tăng nhẹ 1,4% như Trung Quốc.
"Điều này cho thấy, rõ ràng suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới bên cạnh tính chu kỳ còn chịu tác động của các nhân tố khác đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", TS. Võ Trí Thành nhận định.
Khác với 2 năm trước, gần đây rất nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ thâm hụt thương mại hàng hoá. Dù không theo kịch bản như vậy thì mục tiêu đặt ra ở Quốc hội là chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng 8% cũng không phải là đơn giản. "Tuy nhiên, tôi cho rằng nhập siêu vẫn nằm trong tầm kiểm soát", TS. Thành nhìn nhận.
Quan trọng hơn, khi nhìn vào thị trường ngoại tệ, trong cán cân thanh toán quốc tế thì cán cân thương mại quan trọng nhưng cũng chỉ là một mục do đó, nếu tính tất cả dòng tiền ra, dòng tiền vào (đầu tư nước ngoài, kiều hối,…) Việt Nam có thể vẫn sẽ thặng dư nhưng mức thặng dư sẽ không còn cao như hai năm trở lại đây.
Với bối cảnh bất định như hiện nay, những áp lực như lạm phát, áp lực lên tỷ giá đặt ra thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với cách điều hành uyển chuyển với công cụ và nguồn lực trong tay Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể giữ được tỷ giá linh hoạt nhưng không phải ở mức giao động quá lớn.