TS. Vũ Thành Tự Anh đã có bài tham luận về "Tầm nhìn của Việt Nam hướng vào tương lai" trong khuôn khổ Hội nghị kinh doanh Việt Nam – Thuỵ Điển, diễn ra trong sáng 7/5.
Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, được xem là cao nhất trong khu vực và còn tiếp tục giữ được vị trí này trong tương lai, tuy nhiên, ông lưu ý việc tốc độ đã có sự suy giảm.
Tương tự nhiều quốc gia khác, Việt Nam không duy trì được độ tăng GDP cao trong dài hạn. Nếu 20 năm trước GDP có giai đoạn đạt 9,6 – 9,7%, cách đây 10 năm đạt 8,5 – 8,6% thì ở hiện tại, mức tăng trên 7% như năm 2018 vừa qua là kỷ lục của 10 năm đổ lại.
"Nếu không phát triển nhanh chúng ta không thể nào bắt kịp được với các quốc gia khác. Do vậy, Việt Nam phải duy trì, đảm bảo tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế", ông nói.
Việt Nam, theo ông Tự Anh đang có một số động năng cho phát triển. Thứ nhất là tầng lớp trung lưu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng thế giới cho biết đến năm 2025, 50% người Việt có thể bước chân vào tầng lớp trung lưu – tức các đối tượng có mức chi tiêu khoảng 50 USD/ngày, trở thành một nhân tố kích thích doanh nghiệp nội địa và FDI sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là đầu tư. Việt Nam có khả năng duy trì một tỷ lệ đầu tư rất cao, khoảng 30% trong 3 thập kỷ, điều này giúo nền kinh tế có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối lớn.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho đầu tư cũng như phát triển bền vững của Việt Nam là năng suất. "Việt Nam chưa làm tốt điều này", ông Tự Anh bình luận và cho biết Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc về câu chuyện năng suất lao động. Ông bày tỏ niềm tin rằng với chính sách mới, vấn đề này có thể được cải thiện.
Động năng thứ ba là thu hút FDI. Trong 2 thập kỷ vừa qua, TS. Tự Anh nhận định Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ vốn FDI trên GDP cao gần gấp đôi so với nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. FDI rất quan trọng với nền kinh tế 94 triệu dân nhưng các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy giá trị gia tăng mà nguồn vốn này mang lại cho Việt nam đang giảm xuống. Do đó, ông cho rằng cần phải tập trung vào chất lượng thay vì số lượng
3 cỗ máy cho tăng trưởng
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Chính phủ cũng như người dân Việt Nam đã rất cam kết trong việc xây dựng một nền kinh tế mở. Điều này được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao khi họ khẳng định một trong những yếu tố quyết định đầu tư là do tính cởi mở này.
"Chính phủ đang xây dựng chiến lược 10 năm tiếp theo (2021 – 2030) cho nền kinh tế", TS. Tự Anh nói và nhắc đến 3 cỗ máy cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ nhất là hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển. Theo ông, thay vì thu hút các công ty nước ngoài thành công vào Việt Nam, Chính phủ cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp nội địa thành công. Hiện Việt Nam đã có những cuộc trao đổi cởi mở, những chính sách mới để nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai là Việt Nam cần có những siêu đô thị. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cho thấy nếu không có các thành phố lớn, đủ quy mô, thì sẽ không có một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Cuối cùng là đổi mới khoa học, công nghệ. Theo ông Tự Anh, Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để tăng cường yếu tố này, từ đó, giải quyết bài toán về năng suất lao động.
Điểm khác biệt trong chiến lược mới, là Việt Nam tập trung nhiều hơn vào việc điều chỉnh khoa học công nghệ phù hợp với đất nước thay vì đuổi theo những thứ hoàn toàn mới. "Điều này có nghĩa là chúng ta học bò trước khi học chạy", ông nói và cho biết cách tiếp cận này đã thực tiễn hơn rất nhiều.
"Chúng ta cần đảm bảo Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, để làm được điều này, cần phải hiểu cách tiếp cận cũ không phù hợp nữa, thay vào đó, cần áp dụng các cỗ máy mới", ông nói.
Ngoài ra, TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng không phải là việc của riêng Chính phủ. Thay vào đó, đây sẽ là sự thảo luận giữa Chính phủ - doanh nghiệp – người dân để xác định được con đường thành công bền vững cho Việt Nam.