Trao đổi với BizLIVE bên lề Hội thảo: "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính" diễn ra ngày 13/11, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, nạn tham nhũng đang khá phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa các cán bộ với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trong môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, luật pháp chồng chéo, nhất là khi hành vi và ứng xử của công chức có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định hành chính thì thường tham nhũng có điều kiện phát triển.
Khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị rất sơ khai. Đó chính là mảnh đất "màu mỡ" cho tham nhũng vặt. Do đó, việc chuẩn hoá, việc minh bạch hoá, đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp với tư cách là một đối tượng điều chỉnh sẽ giúp nâng cấp khu vực này.
"Điều này này sẽ giúp giải quyết định gốc rễ nạn tham nhũng vặt và xây dựng kinh doanh liêm chính", TS. Lộc nói.
Theo TS. Lộc, kinh doanh liêm chính là cần thiết với tất cả doanh nghiệp, từ doanh nghiệp xuyên quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn xuyên quốc gia hay doanh nghiệp lớn, họ có hệ thống quản trị minh bạch. Đây là công cụ rất tốt trong việc phòng chống tham nhũng còn với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị còn ở mức sơ khai thì việc ứng dụng bộ công cụ kinh doanh liêm chính trở nên vô cùng quan trọng.
“Sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh,” TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại diện UNDP trình bày về kinh doanh liêm chính tại Hội thảo
Đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam qua việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: “Thay đổi cần thời gian, vì vậy chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết, đảm bảo cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam.”
Tại buổi hội thảo cũng đã ghi nhận sự cam kết của 11 Hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc vận động quy mô nhỏ do VCCI thực hiện kêu gọi một số Hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM tham gia ký kết “Bản cam kết kinh doanh liêm chính”.
Bản cam kết này có mục đích đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp, hướng tới cùng hợp tác hành động nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.