Chính phủ đã lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế trong những năm tới
Phát biểu tại Nghị trường sáng nay, 27/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ, qua các báo cáo, dường như đang hơi quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Theo ông, dù giai đoạn 2016 – 2018, nền kinh tế phát triển đầy khả quan với GDP trung bình ước đạt 6,57% nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng từ 6,5 – 7% trong giai đoạn 2016 – 2020 là thách thức rất lớn.
Nguyên nhân Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao dẫn đến việc nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Fed thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cùng với những căng thẳng leo thang của các nền kinh tế lớn, ông Lộc đặt câu hỏi liệu xuất khẩu hay thu hút vốn đầu tư của Việt Nam có được đẩy mạnh? Bởi đây là 2 nhân tố, động lực chính của tăng trưởng trong nước.
Nhiều dự báo về tăng trưởng toàn cầu hay của Mỹ giai đoạn 2019 – 2020 đã bị điều chỉnh theo hướng giảm đi. Theo đó, ông Lộc nhận định xu hướng xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam trong 3 năm tới sẽ không còn nhiều thuận lợi.
"Do vậy, khi xác định các mục tiêu như thu ngân sách, nợ công, chúng ta cần sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng GDP cao hơn 6,5%", vị đại biểu này lưu ý.
Nên giữ lạm phát dưới 4%
Trong khi Chính phủ lạc quan về tăng trưởng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dường như lại thiếu tự tin, theo nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc.
Trong 3 năm qua, đặc biệt năm 2018, Chính phủ luôn giữ lạm phát dưới mức 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, thực phẩm… diễn ra đồng thời. Lạm phát thấp đã giúp cho mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá… được ổn định, kinh tế vĩ mô được đảm bảo.
Tuy nhiên, đến năm 2019, mục tiêu kiềm chế lạm phát được Chính phủ đề ra lại là khoảng 4%.
"Tôi không rõ Quốc hội đánh giá mục tiêu này thế nào. Ví dụ nếu lạm phát là 4,1 – 4,2% thì chấp nhận được nhưng lên 4,3 – 4,5% thì có coi là hoàn thành nhiệm vụ không?", ông Lộc đặt câu hỏi.
Việc chuyển mục tiêu từ cứng, rõ ràng – tức dứoi 4% sang mục tiêu mềm, mơ hồ hơn – là khoảng 4% khiến ông Lộc cho rằng đây là "bước lùi trong hoạch định chính sách".
Bởi khi Chính phủ không bị ràng buộc trong một mục tiêu cứng thì những động thái điều hành quản lý sẽ thiếu đi tính quyết liệt. Nếu Chính phủ bằng lòng với lạm phát trên 4% thì người dân có quyền đặt ra câu hỏi, liệu trong tương lai mục tiêu kiềm chế lạm phát có trở thành 5 – 6% hay nhà đầu tư có còn tin tưởng rằng ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài của Chính phủ? Rồi lãi suất tỷ giá có té nước theo mưa?
"Tóm lại, khi thay đổi mục tiêu khống chế lạm phát từ dứoi 4% thành khoảng 4%, Chính phủ dường như đã rút khỏi cam kết vàng đang được người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư ủng hộ", ông Vũ Tiến Lộc kết luận.