Vùng phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền, nước khá cạn nên khó khăn cho người dân khi bơm nước vào ao nuôi. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tôm thả nuôi khoảng 30 ngày kích cỡ 4-6 cm có hiện tượng phát sáng vào ban đêm. Người dân sử dụng thuốc Iodine để xử lý dịch bệnh nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nguy cơ lây lan diện rộng.
Kiểm tra tôm nuôi vừa thả chừng 1 tháng.
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, để đảm bảo việc phòng trị bệnh có hiệu quả, người nuôi nên test mẫu (tôm, nước), tìm nguyên nhân chính xác; từ đó có các giải pháp tốt nhất trong sử dụng các loại thuốc, hóa chất phù hợp (nằm trong danh mục được dùng, liều lượng, thời gian); điều chỉnh các yếu tố môi trường trong ao nuôi ở giới hạn thích hợp và chế độ cho ăn hợp lý…
Tại cửa biển Tư Hiền bắt đầu xuất hiện cá kình (cá rò) giống, kích cỡ 1 -1,2 cm. Dự báo một vài tuần đến, cá kình giống sẽ xuất hiện đại trà. Nguồn cá giống này hàng năm thường dồi dào phục vụ nuôi xen ghép vùng đầm phá. Tuy nhiên, bà con không nên thả nuôi mật độ quá cao; tùy điều kiện môi trường của từng vùng địa phương để thả nuôi, tránh thả ở vùng độ mặn quá thấp.
Môi trường hiện nay khá phù hợp cho việc thả nuôi thủy sản nên người dân huyện Phú Lộc đã tăng cường cải tạo và lấy nước vào ao để thả nuôi. Tại các vùng Tân Lập, thị trấn Sịa (Quảng Điền), Cồn Tè, xã Hương Phong (TX. Hương Trà) có độ kiềm thấp nên khi lấy nước vào ao, bà con cần bón vôi Dolomite với liều lượng 15-20 kg/1.000m3 vào ban đêm nhằm tăng và ổn định độ kiềm của nước trong ao nuôi.