TTCK Việt Nam vượt thành công cột mốc 1.130 điểm
Tuần qua, thị trường có một tuần lễ giao dịch khá thuận lợi và tràn đầy hưng phấn khi chỉ số VN-Index liên tiếp "bứt phá" không ngừng tới những đỉnh mới và đã chinh phục thành công ngưỡng 1.130 điểm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.150,19 điểm (+2,37%) và HNX-Index chốt phiên ở 133,1 điểm (+4,33%). Mặc dù những tuần trước đó có những phiên giao dịch thị trường dường như vượt mốc 1.130 điểm tuy nhiên càng tiến sát tới vùng đỉnh cũ, áp lực chốt lời tăng cao đã khiến chỉ số không thể bứt phá mạnh mẽ. Tuy vậy, ở tuần qua dòng tiền mạnh mẽ đẩy vào thị trường đến từ khối nội cùng với đóng góp của hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, các chỉ số đều tăng mạnh cùng thanh khoản ở mức cao đã chính thức giúp VN- Index bứt phá khỏi vùng đỉnh cũ 1.130 để hướng tới các mục tiêu cao hơn trong thời gian sắp tới.
Dòng tiền hầu hết luân chuyển chính ở nhóm cổ phiếu Large Cap. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, BID, CTG… đang là tâm điểm thu hút dòng tiền của thị trường và đồng loạt tăng mạnh là điểm nhấn của thị trường trong tuần qua. Bên cạnh đó, sắc xanh tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, PNJ… cũng giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm trong phiên cuối tuần. Các cổ phiếu có tính thị trường cao hơn như chứng khoán, bất động sản cũng giao dịch khá tích cực với nhiều mã tăng giá cụ thể như SSI, VND, HCN, CTS, SHS. Tuy nhiêm có vẻ như như nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chính là "chìa khóa" - động lực chính kéo chỉ số vượt mốc 1.130 điểm của tuần lễ qua.
Vào những phiên cuối tuần, giao dịch của hai quỹ ETF (FTSE và V.N.M) trong phiên ATC chiều ngày thứ 6 nhìn chung cũng không khiến thị trường xáo trộn. Nhìn chung, với giá trị giao dịch bình quân phiên cao như hiện nay với giá trị giao dịch tầm trên 6.000 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với bình quân trung bình những năm 2015 – 2016, chính vì vậy theo các chuyên gia Rồng Việt Securities đánh giá ảnh hưởng không còn quá lớn của các quỹ ETFs như những năm trước là điều có thể dự báo được trước.
Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co biên độ hẹp của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh cũng ghi nhận một tuần giao dịch kém sôi động với các hoạt động trading trong khi thị trường cơ sở đang giao dịch quanh quẩn vùng đỉnh cũ, số hợp đồng tương lai giảm so với tuần liền kề trước gần 30%. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 22.916 hợp đồng.
TTCK thế giới trải qua một tuần lễ đồng loạt điều chỉnh nhẹ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong 4 phiên liền trước khi nhịp tăng của ngày thứ Sáu thu hẹp đà giảm điểm. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.752 điểm (giảm 1,4%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.946 điểm (giảm 1,7%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.481 điểm (giảm 1,3%).
Dường như các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình có một tuần giao dịch tốt hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong chỉ số S&P 500, ngành tiện ích và bất động sản bắt đầu có ngưỡng hỗ trợ sau thời gian dài suy giảm. Ngược lại, cổ phiếu ngành tài chính lại có biểu hiện kém. Nỗi sợ hãi về căng thẳng thương mại toàn cầu tăng lên là yếu tố chính khiến nhà đầu tư cảm thấy lo lắng về các hành động trả đũa của các đối tác thương mại lớn ở châu Á và châu Âu. Thị trường cũng không ổn định do việc bãi nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, một người được coi là có quan điểm bênh vực tự do thương mại.
Thị trường châu Âu kết thúc tuần giao dịch trong nhiều nghi ngờ với khối lượng giao dịch tương đối thấp. Số liệu lạm phát ở khu vực đồng Euro khiến các nhà đầu tư thất vọng, cùng với sự không chắc chắn về triển vọng thương mại và những căng thẳng địa chính trị khác. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.389 điểm (giảm 0,5%), chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha đóng cửa ở 9.761 điểm (tăng 0,1%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.282 điểm (giảm 0,3%). Trong khi đó tại Anh, chỉ số FTSE 100 của nước này đóng cửa ở 7.164 điểm (giảm 0,8%) khi tình hình ngoại giao giữa Anh và Nga trở nên căng thẳng.
Các chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản tăng điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 kết thúc tuần ở mức 21,676 (tăng 0.97%) và chỉ số TOPIX tăng 1,23% trong tuần. Đồng Yên đóng cửa ở mức 105.67 so với đô la Mỹ, giảm nhẹ 1.1% so với tuần trước.
Sự chú ý của công chúng Nhật Bản đang hướng về vụ scandal trong lĩnh vực bất động sản của thủ tướng Shinzo Abe, khi một quỹ giáo dục có quan hệ với phu nhân của ông đã mua một mảnh đất công ở Osaka với giá thấp hơn giá thị trường. Ông Abe đã lên tiếng phủ nhận mối liên quan tới hợp đồng giao dịch này, trong khi các đối thủ chính trị của ông đang kêu gọi ông từ chức.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc không có nhiều biến động tích cực trong tuần. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 31.501 điểm (giảm 0,1%), trong khi chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.269 điểm (giảm 1,5%).
Tin tức đáng chú ý trong tuần là việc Trung Quốc tuyên bố sẽ hợp nhất việc quản lý ngành ngân hàng và bảo hiểm. Theo một đề xuất được đưa ra trong cuộc họp lập pháp hàng năm, Bắc Kinh có kế hoạch hợp nhất Ủy ban điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Uỷ ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương, sẽ có thêm quyền hạn mới để soạn thảo các quy định của khu vực tài chính, ngoài việc xác định chính sách tiền tệ. Đây là một động thái được chờ đợi từ lâu nhằm thắt chặt kiểm soát khu vực tài chính của đất nước và kiềm chế các rủi ro đi kèm với tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong quá khứ. Đây cũng được coi là cải cách lớn nhất trong ngành tài chính của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.