TTCK Việt Nam "trăn trở" vượt qua cột mốc 1.170 điểm
Tuần qua, thị trường tiếp tục tăng điểm tuy nhiên chỉ số VN-Index đã gặp khó khăn lớn trước sức ép giằng co mạnh tại vùng đỉnh lịch sử. Chính vì thế khả năng bứt phá mạnh mẽ tại vùng này vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.174,46 điểm (+1,83%) và HNX-Index chốt phiên ở 132,46 điểm (+0,44%). Thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và giữ nhịp nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Blue-chip, vốn hóa lớn như VJC, MSN, BVH, VIC, PNJ... VN-Index trong tuần vừa rồi giao dịch khá phức tạp và chưa rõ xu hướng, điều đó đa phần khiến cho tâm lý NĐT tuần qua khá dao dộng và lo lắng.
Nhìn chung, nhóm ngành ngân hàng là dòng dẫn dắt chính thị trường trong thời gian vừa qua đang hơi đuối sức. Dường như dòng tiền đang trở nên phân hóa, chưa thật sự tập trung vào nhóm cổ phiếu nhất định, margin trên thị trường đang ở mức cao. Tuy các chỉ số vĩ mô đều tăng tốt trong quý 1/2018, nhưng vẫn chưa thấy dòng tiền mới đổ thêm vào thị trường, thậm chí 2 tuần gần đây còn có sự rút ròng từ các quỹ nội. Đối với những tin xấu như vậy nhưng thị trường hiện tại vẫn không hề giảm điểm và vẫn có những nhịp hồi phục tốt vào cuối tuần, điều đó cho thấy sự kì vọng của NĐT trong những tuần giao dịch tiếp theo.
Vào phiên giao dịch ngày 29.03, thị trường đón nhận 1 phiên điều chỉnh nhẹ. Mức 1.170 điểm "lịch sử" đúng là không dễ để có thể vượt qua. Đã 6 phiên kể từ khi VN-Index chạm tới "đỉnh" nhưng vẫn chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Thị trường giao dịch khá giằng co trong phiên sáng ngày thứ 6 trước khi tăng tốc vào đầu giờ chiều. Nhóm bất động sản tăng điểm tốt trong ngày. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VJC, VHC, MSN hay PNJ vẫn miệt mài chinh phục các mốc cao mới. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, VN-Index tăng 0,73% đóng cửa tại 1.174,46 điểm. Những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số VN-Index bao gồm GAS, VIC, MSN, PLX. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, CTG, MBB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.
Theo các chuyên gia Rồng Việt Securities, thanh khoản toàn thị trường tuần qua cho thấy sự sụt giảm đáng kể, với giá trị giao dịch trung bình phiên chỉ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Các thông tin về kế hoạch kinh doanh trong năm 2018 từ các buổi đại hội cổ đông vẫn chưa tạo được một cú hích trên diện rộng, cộng thêm sự chững lại của nhóm ngân hàng trong thời gian gần đây khiến đa số nhận định vẫn thiên về khả năng chỉ số vẫn tiếp tục "lình xình" quanh mốc này.
Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co biên độ hẹp của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch kém sôi động, mang tâm lý khá thận trọng, "hoài nghi" với các hoạt động trading. Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh trong trung hạn do diễn biến phức tạp giằng co trên thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 17.465 hợp đồng (giảm hơn 7% so với tuần liền trước).
TTCK thế giới đồng loạt "hồi phục" sau cơn bão gió
Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ sau sự sụt giảm nghiêm trọng của tuần trước. Tâm lý lo ngại chiến tranh thương mại của các nhà đầu tư phần nào được xoa dịu. Tuy nhiên, tuần này đáng chú ý là sự bán tháo của các công ty công nghệ cao, khiến chỉ số Nasdaq Composite suy giảm so với các chỉ số khác, đóng cửa ở 7.063 điểm (+1,49%). Sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Amazon đã gây ảnh hưởng khá lớn tới chỉ số S&P 500. Chỉ số này đóng cửa ở 2.640 điểm (-0,23%). Các cổ phiếu ngành tiêu dùng, bất động sản và dịch vụ tiện ích trở nên hấp dẫn hơn khi lợi suất trái phiếu dài hạn giảm. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa sớm để nghỉ lễ vào ngày 30/03.
Các chỉ số chứng khoán hàng đầu của châu Âu đã phục hồi trong tuần nhưng nếu tính theo tháng và quý thì vẫn chịu những tổn thất. Chỉ số FTSE 100 của Anh đã dẫn đầu các thị trường châu Âu, đóng cửa ở 7.056 điểm (+1,5%). Trong khi đó chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.096 điểm (+0,84%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.167 điểm (+1,02%).
Đóng góp lớn cho sự tăng điểm của thị trường là tin tức tốt từ một số doanh nghiệp lớn. Cổ phiếu của các công ty dược phẩm GlaxoSmithKline và Novartis tăng mạnh khi có thông tin rằng Glaxo đã mua lại cổ phần của Novartis. Ngoài ra, hãng ô tô Renault của Pháp báo cáo rằng họ đang tham gia đàm phán sáp nhập với hãng xe Nissan của Nhật Bản.
Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần qua, phục hồi lại một phần của cú sụt giảm mạnh tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.454 điểm (+2,6%). Tuy nhiên, kể từ đầu năm, tất cả các chỉ số chính của thị trường Nhật Bản vẫn chưa thể vượt được đỉnh cao cuối năm 2017. Chỉ số Nikkei 225 giảm 7,1%, và chỉ số TOPIX giảm 6,3% từ đầu năm đến nay. Đồng Yên tăng mạnh và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm ở mức 106.44 Yên/ đô la Mỹ, cao hơn 5,6% so với cuối năm 2017.
Một cuộc thăm dò ý kiến do Nikkei/TV Tokyo tiến hành cho thấy sự hỗ trợ cho nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã giảm mạnh trong tháng qua. Chính phủ của ông đã vướng vào một vụ bê do Bộ Tài chính thay đổi văn bản liên quan đến việc bán đất công. Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để chọn vị chủ tịch kế tiếp vào tháng Chín tới.
Trái ngược với cách tiếp cận cứng rắn được mô tả trong các báo cáo gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm việc đằng sau hậu trường, tìm cách giải quyết sự khác biệt về lợi ích thương mại. Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc trong tuần qua đã thể hiện rõ mối lo ngại chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ đã giảm bớt. Chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa ở 3.168 điểm (+1,64%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.093 điểm (+0,58%).