Lỗ lũy kế xấp xỉ 96% vốn chủ
Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố BCTC quý 4/2018 với doanh thu thuần 380,5 tỷ đồng, giảm 37%; tương ứng lợi nhuận gộp 11 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 16,5% về chỉ còn 2,9%.
Ngược lại, trong kỳ TTF ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí dự phòng phải thu khó đòi 108,4 tỷ. Kết quả là, lợi nhuận ròng TTF trong quý cuối năm đạt 27,5 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ 2017; song cải thiện đáng kể so với mức lỗ 33 tỷ quý trước đó.
Lũy kế cả năm 2018, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 1.028 tỷ, giá vốn tăng mạnh khiến TTF lỗ gộp hơn 344 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn còn lãi hơn 276 tỷ. Hầu hết các khoản chi phí từ tài chính, bán hàng, quản lý đều tăng khiến Tập đoàn chịu lỗ hơn 737 tỷ năm 2018, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 2.060 tỷ, suýt soát với mức vốn chủ sở hữu 2.146 tỷ đồng.
Kết quả thua lỗ trong quý cuối năm cùng dự báo lỗ lũy kế vượt mức vốn chủ đã được ban lãnh đạo TTF dự phòng trước đó, và cũng là cơ duyên sáp nhập Sứ Thiên Thanh nhằm tránh nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE.
Nhìn lại sau 1 năm tái cơ cấu
Ngày từ đầu năm, TTF khẳng định dốc sức tập trung vào chủ trương thoái vốn vì phần trả lãi vay của Công ty vẫn còn khá nặng. Cùng với đó, Tập đoàn đặt mục tiêu rà soát tồn kho lâu năm, các khoản phải thu khó đòi, thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả.
Nhìn lại sau 1 năm, những cố gắng của TTF tạo nên sự biến chuyển trong các khoản mục tài chính, đơn cử hàng tồn kho giảm đáng kể từ 1.613 về 1.094 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn cũng được cắt giảm phân nửa chỉ còn 541 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm từ 3.384 tỷ về 2.304 tỷ đồng, đặc biệt nợ vay ngắn hạn giảm phân nửa về chỉ còn 108 tỷ đồng. Tập đoàn đang sử dụng toàn bộ giá trị tài sản liên quan đến gỗ, khai thác gỗ để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, TTF có thể được xem xử lý gần như đa phần các khoản nợ lớn với một số nhà băng như Kiên Long Bank, Việt Á Bank; chỉ còn nợ Đông Á Bank khoảng 120 tỷ đồng. Từng chia sẻ, đại diện TTF cho biết năm 2019 sẽ bán tài sản để dứt sạch nợ, đến lúc đó Công ty sẽ có thể vay thương mại để hoạt động bình thường.
Mặc dù cải thiện về cơ cấu tài chính, tuy nhiên gánh nặng dự phòng ngày càng đè nặng TTF, khi mà dự phòng phải thu tăng hơn 2 lần lên 405 tỷ, dự phòng tồn kho đột biến từ mức 82 tỷ lên 333 tỷ đồng, cùng với một số khoản nợ xấu mà theo đánh giá của Công ty khó lòng thu hồi được.
Trong cơn bĩ cực, TTF đang gồng mình để giành giựt sự sống, vốn là câu chuyện quyết định. Hy vọng đến nay của thương hiệu "Gỗ Trường Thành" chính là phương án sáp nhập với Sứ Thiên Thanh của bầu Thắng.
Nhắc lại, thương vụ sáp nhập được thực hiện theo hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 8,21:1; tức 8,21 cổ phiếu TTF hoán đổi lấy 1 cổ phiếu Công ty Sứ Thiên Thanh. Số lượng phát hành dự kiến 100 triệu cổ phiếu, tương đương tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ lên 3.146 tỷ đồng. Chưa dừng lại, thương vụ lâu dài này có thể dẫn đến hợp tác khác giữa công ty con của Tập đoàn Đông Tâm với TTF để có thể có thêm các sản phẩm cung ứng cho các công trình mà Công ty đang làm.
Phát biểu tại Đại hội mới đây, ông Mai Hữu Tín – chủ tịch TTF thẳng thắn sẽ chấp nhận thua lỗ để trích lập dự phòng, xử lý các vấn đề xấu. Tuy nhiên, đến năm 2019 khi mọi thứ đã được giải quyết, con số doanh thu dự kiến dao động khoảng 1.700 - 1.900 tỷ đồng và có lãi trở lại.
Một nội dung đáng quan tâm khác, cổ đông của TTF cũng thông qua việc thay đổi tên Gỗ Trường Thành sang tên mới là CTCP Total Furniture (viết tắt Total). Trên thị trường, do thua lỗ liên tục, hiện cổ phiếu TTF chỉ còn giá 3.000 đồng/cp.