Từ 2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định mới về trợ cấp thôi việc. Trong đó có 3 thay đổi quan trọng về trợ cấp thôi việc mà người lao động phải nắm chắc.
Trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc thay đổi thế nào?
Cũng như quy định hiện nay tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012, khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Tuy nhiên, về các trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 46 BLLĐ năm 2019 bổ sung một số quy định mới như sau:
- Hết hạn HĐLĐ trừ trường hợp phải gia hạn cho người lao động là thành viên Ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ (hiện nay trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ);
- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do (hiện nay là đang bị kết án tù giam), tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; không phải là cá nhân thì chấm dứt hoạt động hoặc bị thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật (bổ sung thêm).
Từ 2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định mới về trợ cấp thôi việc. |
Bên cạnh bổ sung trường hợp mới, BLLĐ 2019 cũng loại bỏ một số đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. Đó là người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đồng thời, giữ nguyên các trường hợp chấm dứt HĐLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc như quy định hiện nay gồm:
- Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ;
- Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ;
- Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ;
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Theo đó, điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc vẫn giữ nguyên theo quy định hiện nay. Đó là người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thêm trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc
Điều 48 BLLĐ 2012 chỉ liệt kê các trường hợp chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động mà không nêu cụ thể trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, theo Điều 46 BLLĐ 2019, các trường hợp không được trợ cấp thôi việc được quy định cụ thể gồm:
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (hiện nay đang quy định là người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu);
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (quy định mới).
Đồng thời, căn cứ vào Điều 46 cũng như Điều 34 BLLĐ 2019, các trường hợp dưới đây cũng không được hưởng trợ cấp thôi việc gồm:
- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quy định mới);
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải (như quy định hiện nay).
3 thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc (căn cứ khoản 2 Điều 48 BLLĐ 2012).
Trong đó:
- Thời gian làm việc thực tế: Thời gian làm việc thực tế theo HĐLĐ, được cử đi học, nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hàng tuần… (theo điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP);
- Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Theo điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 148 năm 2018, thời gian này gồm thời gian người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, chi trả cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, theo quy định hiện nay, thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc chỉ trừ 02 khoảng thời gian: Đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã được chi trả trợ cấp thôi việc.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm một khoảng thời gian nữa là thời gian đã được chi trả trợ cấp mất việc làm.
Trên đây là 3 thay đổi quan trọng về trợ cấp thôi việc từ 2021 mỗi người lao động đều nhất định phải nắm chắc.
(Theo Etime / Dân Việt)