Sau vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế do xe ô tô 07 chỗ ngồi mang BKS: 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo mang BKS: 63C-136.59 làm 3 người tử vong đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều đến từ dư luận.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc về hành vi của tài xế vượt ẩu ngoài phạm vi được phép vượt, dẫn đến vụ tai nạn thương tâm, còn có ý kiến cho rằng, đoạn đường xảy ra tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang có vấn đề về thiết kế khi tuyến đường đang có 3 làn xe thì gộp làn xuống còn 1 làn xe không có giải phân cách cứng ở giữa tạo thành "nút thắt cổ chai" là một phần nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn giao thông.
Theo đúng tiêu chuẩn CVN 5729:2012 về đường ô tô cao tốc có thiết kế gồm có giải phân cách cứng, không có nút giao đồng mức. Về tốc độ tính toán, đường cao tốc được phân làm 4 cấp (cấp 60, cấp 80, cấp 100 và cấp 120, có tốc độ tính toán tương ứng là 60km/h, 80km/h, 100km/h, 120km/h). Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng các tuyến cao tốc được khai thác với tốc độ tương ứng của đoạn tuyến.
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, tạo không gian phát triển mới, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Mục tiêu gần hơn là đạt 3.000km cao tốc vào năm 2025.
Mục tiêu đặt ra như vậy, nhưng lại là "bài toán khó" với ngành GTVT mặc dù ngành GTVT và các địa phương đã nhìn nhận ra vai trò của việc phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách còn hạn chế, nguồn lực phân bổ cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ yêu cầu hàng năm. Chính vì vậy, việc huy động và bố trí các nguồn lực để đầu tư cao tốc theo đúng tiêu chuẩn CVN 5729:2012 về đường ô tô cao tốc có thiết kế gồm có giải phân cách cứng, không có nút giao đồng mức,... là vấn đề "đau đầu" của Bộ này.
Cũng cần phải nhắc lại, ở giai đoạn trước năm 2020 nguồn vốn ngân sách đầu tư cao tốc hạn hẹp và để huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức BOT càng khó khăn hơn, khi các nhà đầu tư "sợ hãi" vì những rủi ro về thu phí, rủi ro về những "làn sóng" phản đối thu phí....
Để phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, Bộ GTVT và các địa phương đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội chấp thuận đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ 2 làn xe dựa vào nhu cầu và lưu lượng phương tiện chưa lớn.
Việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, giai đoạn 1 bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, với cao tốc hai làn xe nhiều đoạn không có dải phân cách cứng ở giữa; tốc độ khai thác giai đoạn đầu chưa cao,… Điều này tiềm ẩn rủi ro cao cho người tham gia giao thông.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trước câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) về thực trạng địa phương có 2 tuyến cao tốc là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan song đều chỉ có 2 làn xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã thẳng thắn thừa nhận, việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, hay nhiều hơn 6 - 8 làn rất đúng đắn và cần thiết.
Ông Thắng cho hay, Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn chỉnh tuyến. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, nhiều tuyến chỉ mới có tiền để đầu tư 2 làn do lưu lượng xe ban đầu không lớn. Tại Thừa Thiên - Huế có 2 tuyến là La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn nằm trong số đó.
Ngay sau khi các tuyến cao tốc 2 làn xe được khánh thành, Bộ GTVT nhận diện ra bất cấp và đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục. Thực tế, việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe không hề khó về mặt nhân lực, chuyên môn, cũng như năng lực thi công, nhưng vấn đề là "nguồn vốn đầu tư, tiền ở đâu"?.
Để khắc phục những tồn tại trên cao tốc 2 làn, ngành GTVT đã lắp đặt các biển báo giao thông, biển chỉ dẫn giao thông, hạn chế. Cùng với đó, tuyên truyền phổ biến để tài xế di chuyển trên cao tốc cần có ý thức hơn trong việc chấp hành những quy định trong tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn.
Bất cập tại cao tốc 2 làn xe đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã nhìn ra và đã được Thủ tướng có nhiều văn bản để nâng cấp mở rộng.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/2/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.
Trong thông báo số 29, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h; không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. Tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự.
Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật của dự án đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư, chủ động điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết (biển báo, vạch sơn...) đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác.
Ngày 12/12/2023, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đánh giá và nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư để sớm đạt chuẩn và đồng bộ về tốc độ khai thác chung.
Tiếp đó, Bộ GTVT đã đồng ý điều chỉnh nâng tốc độ khai thác đối với 8 đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có dải phân cách giữa (2 làn mỗi chiều).
Mới đây nhất, để sớm nâng cấp những tuyến cao tốc 2 làn xe, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Công điện nêu rất rõ: "Nhu cầu vốn cho đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế; Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ...".
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương vào cuộc, cấp thiết giải quyết: Rà soát, tổ chức giao thông theo hướng tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có và triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn.