Trong phiên thảo luận về "Đón đầu thị trường thay đổi – Đột phá trước khi đột tử" của Vietnam CFO Forum 2010, ông Nguyễn Bá Quỳnh – Giám đốc Điều hành của CyborSoft đã đưa ra một đề tài khá hấp dẫn và nóng hổi tính thời sự: các diễn giả nghĩ gì về ‘bê bối’ của WeWork cũng như khoảng lỗ ròng 7 tỷ USD của Uber trong 9 tháng đầu năm 2019?
"Trước đây, không ai đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng ngày nay đang có rất nhiều công ty đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm xuất hiện đồng thời với phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang lan rộng khắp thế giới.
Tôi rất tôn trọng Uber và WeWork vì họ đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong thế giới dịch chuyển phi tập trung này. Một nhà đầu tư lớn sẽ giúp doanh nghiệp đang phát triển chậm có thể vọt mạnh lên", ông Shabbir Imani – Founder kiêm Giám đốc của Expenzing, mào đầu.
Expenzing là một doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, có trụ sở chính tại Ấn Độ và đã phát triển ra 7 thị trường khác. Expenzing hoạt động chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và họ cũng đã mở chi nhánh tại Mỹ.
Từ câu chuyện của WeWork, vị chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực fintech nhớ lại tranh cãi một thời trên các sàn chứng khoán: rằng nhà đầu tư nên đầu tư vào giá trị hay đầu tư vào tăng trưởng. Vấn đề chính ở đây là WeWork được định giá quá cao so với giá trị thực tế và các nhà đầu tư tập trung vào tăng trưởng hơn là lợi nhuận.
"Tôi khởi nghiệp từ năm 1996 và từ đó đến nay đã có không ít lời mời hợp tác từ các nhà đầu tư nhưng mà tôi đều từ chối.
Theo tôi, chỉ khi hơi khó khăn hay phải ‘thắt lưng buộc bụng’ thì con người ta mới bị buộc đổi mới sáng tạo. Thế nên, tôi luôn học cách không dựa vào các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển doanh nghiệp. Bởi, muốn nhận được giá trị từ người tiêu dùng, các startup phải có sản phẩm sáng tạo để trao cho người tiêu dùng giá trị tương xứng. Doanh nghiệp nên phát triển đến một mức độ nào đó rồi hãy nhận tiền của nhà đầu tư", ông Shabbir Imani nêu quan điểm.
Là một người trẻ tuổi, nên tư duy của Co-founder MoolahSense – ông Lawrence Yong ngược với ông Shabbir. MoolahSense là một startup trong lĩnh vực fintech của Singapore, với mô hình kinh doanh cho vay ngang hàng online – P2P. MoolahSense gia nhập thị trường Việt Nam từ năm ngoái và họ cũng đã thành công gọi vốn được 2 lần.
Các diễn giả trong phiên thảo luận "Đón đầu thị trường thay đổi – Đột phá trước khi đột tử".
Theo Lawrence Yong, sự đột phá sáng tạo có hình chữ S. Đầu tiên là giai đoạn hình thành ý tưởng/sản phẩm mới, thứ hai là giai đoạn phát triển sản phẩm/dịch vụ và thứ ba là giai đoạn mang sản phẩm/dịch vụ ra thị trường. Tất nhiên cũng có những startup trưởng thành lớn mạnh nhưng cũng có những startup lụn bại phải ‘nghỉ hưu’.
Còn sở dĩ các công ty lớn rất khó sáng tạo là bởi họ nhiều ưu tiên khác quan trọng hơn, ví dụ như về doanh thu, lợi nhuận, cạnh tranh với đối thủ; hoặc trong nội bộ của họ còn đang đánh nhau xem cái gì mới là ưu tiên hay các ưu tiên vẫn đang xung đột nhau.
"Ở 2 giai đoạn đầu tiên, các startup cần các nhà đầu tư. Tiền từ các nhà đầu tư sẽ là cú hích cho sự ra đời của các ý tưởng/sản phẩm mới. Lúc này, doanh nghiệp chưa thu lại được lợi nhuận", ông Lawrence Yong cho biết.
Tuy nhiên, đến giai đoạn thứ 3, các startup nên ngừng xài tiền của nhà đầu tư, mà nên kiếm tiền từ thị trường. Bởi chỉ khi không dùng tiền của nhà đầu tư, chúng ta mới biết sản phẩm của chúng ta có nhu cầu từ thị trường hay không? Startup phải tạo không gian cho người tiêu dùng và thị trường đánh giá xem sản phẩm/dịch vụ của chúng ta là đúng hay sai. Lúc này, sự sáng tạo sẽ được chi trả bởi người tiêu dùng và thị trường.
"Có thể nói, giai đoạn bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường và kiểm tra nhu cầu của thị trường là căng thẳng nhất với các founder. Lúc đó, founder phải kiểm tra sự tương quan giữa sản phẩm/dịch vụ và nhu cầu thị trường, cũng như bước vào ma trận các báo cáo tài chính. Lúc đó, người chủ phải có cái đầu lạnh để bước qua sự hoang mang xảy đến từ những nghi ngờ về mô hình kinh doanh của mình hay lúc quyết định phân bố các nguồn lực của doanh nghiệp", ông Lawrence Yong khẳng định.
Dù không trực tiếp nói ra, nhưng ý ông Lawrence Yong, có thể các nhà sáng lập của WeWork hay Uber đang lạc lối trong giai đoạn tăng tốc. Thay vì có lộ trình ngừng xài tiền của nhà đầu tư sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, cả hai vẫn tiếp tục ‘đốt tiền’ không nương tay. Điều này không chỉ rủi ro cho các nhà đầu tư mà còn rủi ro cho startup.
Vì nếu cứ dùng tiền của nhà đầu tư, họ sẽ khó định lượng được giá trị thật sự của sản phẩm/dịch vụ của mình hay bớt động lực đổi mới sáng tạo. Một khi startup ngừng hoặc chậm đổi mới sáng tạo, ADN từng tạo nên thành công của WeWork hay Uber, tất nhiên là họ sẽ gặp vấn đề.