Ngày càng nhiều doanh nhân có ý thức về việc xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu Việt, thay vì chấp nhận phận “gia công”. Giấc mơ lớn đưa sản phẩm Việt ra biển lớn đang được bắt đầu từ những DN.
Không cam chịu phận gia công
“Tôi mong muốn, khát khao tạo ra các sản phẩm thương hiệu Việt, do người Việt làm ra”, ông Cao Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời trang MELYA, vừa dẫn khách đi tham quan phòng thiết kế, marketing, sale, kho hàng, vừa hào hứng kể về những định hướng của doanh nghiệp trẻ này.
Tham gia ngành thời trang mới 2 năm, ông Thành luôn đau đáu khi nhìn nhận một thực trạng rằng Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công cho những thương hiệu nước ngoài, cho dù năng lực thiết kế, trình độ tay nghề không hề kém cỏi.
Nhiều doanh nghiệp thời trang trong nước muốn “làm nhanh, bán rẻ” cũng sẵn sàng nhập hàng từ Trung Quốc về, rồi chỉ làm một khâu gắn tên thương hiệu vào để bán cho khách hàng.
Với doanh nhân trẻ này, thực trạng ấy là “nỗi đau khá lớn” bởi không thực sự mang lại nhiều giá trị gia tăng cho đất nước.
Những nhận định của vị lãnh đạo doanh nghiệp này khá tương đồng với những đánh giá được CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) đưa ra trong báo cáo mới đây về doanh nghiệp thời trang nội địa.
VIRAC cho rằng, từ lâu, nhiều doanh nghiệp thời trang đã mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà. Nguyên nhân là do mẫu mã thiết kế nghèo nàn, quy mô nhỏ. Dù có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp thời trang Việt chủ yếu vẫn nặng về gia công.
Thị trường thời trang Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập và chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo. VIRAC cho biết hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp có cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Sự đổ bộ này đã đẩy ngành thời trang nội, vốn chỉ có thị phần nhỏ, giờ càng bị thu hẹp. Một số thương hiệu nội địa được xem là có chỗ đứng trên thị trường như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10,... cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở.
Khi xây dựng thương hiệu thời trang MELYA, Cao Tiến Thành tâm niệm: “Tôi mong các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất ở Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và xuất đi các nước”.
Nhưng đó là con đường gian nan bởi làm chủ từ thiết kế, cho đến sản xuất, phân phối, bán hàng đòi hỏi nguồn lực và sự nỗ lực rất lớn. Khẩu hiệu dán trên tường phòng làm việc của nhân viên công ty này: “Người chèo thuyền giỏi không đến từ vùng biển lặng sóng” như một lời cảnh tỉnh cho con đường chông gai ấy.
“Khi lựa chọn con đường này, ngay từ đầu tôi đã thấy những khó khăn phải đối mặt. Nghiên cứu ngành thời trang, tôi thấy người Việt Nam rất giỏi từ tay nghề, công nghệ, gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Có nghĩa, người Việt hoàn toàn làm được các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ, Pháp,... Vậy tại sao không nghĩ đến việc sản xuất ở đây, rồi mang đi xuất khẩu", Cao Tiến Thành băn khoăn.
Một doanh nhân trẻ khác cũng có chung tâm sự về việc xây dựng sản phẩm thương hiệu Việt. Khởi nghiệp làm túi da cách đây tầm 3 năm, xuất phát từ việc đi tìm mua một chiếc túi da thật mà quá khó và quá đắt, ông Lê Trung Dũng, Chủ tịch Công ty Leka, đã xây dựng được thương hiệu túi da cho riêng mình. Cũng như Thành, Dũng mong muốn làm chủ được các khâu từ thiết kế đến ra sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
“Túi da là ngành có triển vọng. Tôi sang cả Trung Quốc tham khảo và thấy giá rẻ, chất lượng thấp, giá đắt chất lượng cao. Chúng tôi muốn cung cấp hàng chất lượng cao giá rẻ cho khách hàng Việt Nam. Nếu nhập hàng về bán thì mục tiêu đó không khả thi, nên chỉ có một con đường là tự sản xuất, sản phẩm tốt, giá thành thấp”, Dũng nói.
Một điều ít người biết, Leka cũng chính là đơn vị đã được chọn để làm 2.000 chiếc cặp da tặng các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua.
Sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Việt là mong muốn của nhiều doanh nghiệp |
Thay đổi lối đi: Gian nan nhưng vinh quang
Theo VIRAC, các doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng sản phẩm sản xuất ra trên thực tế không quá chênh lệch nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, do nặng về gia công, xuất khẩu dưới tên thương hiệu nước ngoài nên thị trường thời trang Việt Nam vẫn xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả trong khu vực.
Chính vì vậy, việc có thêm nhiều thương hiệu Việt như cách các ông chủ 9x, 8x như Cao Tiến Thành và Lê Trung Dũng đang xây dựng và phát triển sẽ góp phần xây dựng vị thế cho thương hiệu thời trang Việt Nam.
Tuy nhiên, con đường cho những doanh nhân như Thành và Dũng sẽ rất gian nan. Cả hai đều nhận ra rằng, khi số lượng còn chưa đáp ứng được độ phủ thị trường, thì giá thành sản xuất sẽ cao, chuỗi cung ứng cũng chưa thể bền vững. Nhưng họ tin rằng, nỗ lực từng ngày sẽ giúp địa vị của thương hiệu Việt dần thay đổi. Chuỗi cung ứng sẽ được hình thành, máy móc tiên tiến sẽ được đầu tư để cho ra đời những sản phẩm có chất lượng tương đương thương hiệu nước ngoài còn chi phí rẻ hơn.
“Làm được điều đó, chúng ta có thể phát triển tương đương hoặc vượt các hãng thời trang ấy”, Dũng tin tưởng.
Lãnh đạo MELYA chia sẻ: Hàng sản xuất tại Việt Nam trước mắt giá sẽ cao hơn hàng nhập khẩu vì chưa có công ty cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào. Tất cả còn sơ khai. Trong khi Trung Quốc hay nước khác đã làm từ lâu, máy móc thiết bị khấu hao hết rối nên giá rất rẻ. Cho nên, mình phải quyết tâm làm từ đầu. "Chúng tôi xác định chỉ hợp tác phân phối sản phẩm với những công ty sản xuất tại Việt Nam. Khi có số lượng lớn, họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào nguồn cung, máy móc, nhân công, kéo theo chuỗi cung ứng phát triển tốt hơn. Đó mới là con đường phát triển bền vững cho ngành thời trang Việt Nam, cũng như cho đất nước", ông Thành kỳ vọng.
Lương Bằng