Nguồn tin DealstreetAsia cho biết, một liên danh do VinaCapital dẫn đầu đã đồng ý đầu tư 21,4 triệu USD vào CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa, NNG). Số tiền đầu tư này dự kiến sẽ được sử dụng để mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, đồng thời tiếp cận thị trường miền Bắc Việt Nam.
Trước đó, VinaCapital cho biết họ sẽ đầu tư 17 triệu USD thông qua Vietnam Opportunity Fund (VOF), đồng thời đưa 2 thành viên vào HĐQT Nhựa Ngọc Nghĩa. Giám đốc Điều hành VOF, ông Andy Ho cho biết đây là một thương vụ đầu tư hoàn hảo của VOF vào một công ty hàng đầu thị trường, trong đó Nhựa Ngọc Nghĩa đang được hưởng lợi từ câu chuyện tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Được thành lập năm 1993, Nhựa Ngọc Nghĩa đã cung cấp bao bì nhựa cho các tên tuổi như Unilever, Coca-Cola, Pepsi và Vinamilk. Công ty có trụ sở tại Tp.HCM, sản lượng hàng năm đạt 3,7 tỷ khuôn, chai với 3 cơ sở sản xuất.
Cũng theo nguồn tin từ DealstreetAsia, Nhựa Ngọc Nghĩa có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu là 15,3% trong giai đoạn 2016-2018. Công ty dự kiến sẽ đạt 74 triệu USD doanh thu từ hoạt động kinh doanh PET (polyetylen) cốt lõi trong năm 2019.
Cuối tháng 9/2019, Nhựa Ngọc Nghĩa đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2020-2022.
Chi tiết, Công ty dự kiến phát hành hơn 29 triệu cổ phiếu trong năm 2019, giá phát hành 17.053 đồng/cp (cao hơn thị giá hiện nay đến 44%). Tổng số tiền thu về ước hơn 500 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng 200 tỷ để bổ sung vốn lưu động cũng như cơ cấu nợ lưu động; hơn 300 tỷ còn lại sẽ được dùng để đầu tư máy móc thiết bị gia tăng công suất sản xuất.
Đối tượng tham gia mua cổ phần đợt này là Tempel Four Limited (có trụ sở tại đảo Vo-gin-ni-a thuộc nước Anh).
Trên thị trường, cổ phiếu NNG 1 tháng trở lại đây bất ngờ tăng đột biến, từ mức 5.000 đồng tăng gấp đôi lên 12.000 đồng/cp, thanh khoản ngược lại vẫn không cải thiện đáng kể.
Về hoạt động kinh doanh, cuối năm 2018 Nhựa Ngọc Nghĩa ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến từ 97 tỷ lên hơn 718 tỷ, trong đó gần 698 tỷ được ghi nhận là thu khác. Được biết, quý 1 doanh thu tài chính Công ty đột biến hơn 700 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng phần vốn góp tại CTCP Thực phẩm Hồng Phú (sở hữu thương hiệu nước chấm Kabin).
Cùng với đó, chi phí bán hàng giảm từ mức 254 tỷ về 80 tỷ đồng, riêng trong quý 4 Công ty cắt bỏ hoàn toàn các khoản mục quảng cáo, khuyến mại, trưng bày. Đây là các khoản mục tiêu tốn nỗ lực tạo doanh thu của Nhựa Ngọc Nghĩa thời gian qua, kể từ thời điểm Công ty quyết định tiến vào lĩnh vực thực phẩm và thành lập các công ty chuyên về bánh kẹo, nước chấm, thịt.
Xác định rõ việc đầu tư mạnh và chấp nhận thua lỗ khi dấn thân vào mảng thực phẩm, quyết tranh giành thị phần với những đại gia hiện hữu như Masan, song thực tế khó khăn đi quá xa tầm kiểm soát của Nhựa Ngọc Nghĩa. Mảng mới này đã liên tục thua lỗ kể từ lúc thành lập cho đến nay, thống kê từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2017, mảng thực phẩm của Nhựa Ngọc Nghĩa mang về tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng nhưng đã lỗ tới gần 1.200 tỷ đồng. Điều này khiến công sức từ ngành nhựa "đổ sông đổ bể" và Nhựa Ngọc Nghĩa chỉ lãi vài chục tỷ mỗi năm. Riêng năm 2016, lợi nhuận công ty chỉ còn vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng, đến năm 2017 chỉ đạt 10 tỷ đồng.
Dứt khoát với mảng thực phẩm đã mang về tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh Công ty, tổng kết năm 2018 lợi nhuận luỹ kế Nhựa Ngọc Nghĩa đạt 353 tỷ, mặc dù thua lỗ quý 4 tiêu hao phân nửa mức lãi đột biến sau đợt thoái vốn tháng 1, Công ty vẫn tăng hơn 88 lần lãi ròng so với năm ngoái.
Kết thúc nửa đầu năm 2019, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 46 tỷ đồng.