Bỏ hàng chục triệu làm hồ sơ
Ngồi trong ngôi nhà khang trang của mình, ông Phan Văn Quang (47 tuổi, trú khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) buồn bã than rằng: “Giấy tờ thủ tục đóng tàu 67 đã hoàn chỉnh nhưng chạy khắp các ngân hàng đều không được cho vay. Buồn và nản lắm”.
Tàu 67 ở Quảng Trị hoạt động đánh bắt khá tốt. Ảnh: Ngọc Vũ
"Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 67 theo hướng tạo điều kiện hơn cho ngư dân, bởi mỗi con tàu vươn khơi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn là cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Ông Hà Sỹ Đồng |
Ông Quang kể, tháng 3.2015 ông lọt vào danh sách được tỉnh phê duyệt cho đóng tàu 67 bằng vật liệu composite. Sau đó, ông Quang cùng một số người khác góp tiền bắt xe vào tận TP.Nha Trang (Khánh Hòa) tìm hiểu giá cả ở các công ty đóng tàu. Sau này, không hiểu lý do gì ông Quang không được đồng ý cho vay đóng tàu composite nữa. Ngay lập tức, ông làm lại hồ sơ và tháng 4.2016 được tỉnh phê duyệt cho đóng tàu vỏ thép. Sau đó, ông Quang bỏ ra 55 triệu đồng mua bản vẽ thiết kế và làm chứng thư thẩm định giá, hoàn thành thủ tục để vay vốn 19 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Thế nhưng, khi ông Quang trình đơn vay vốn đến ngân hàng thì bị từ chối với nhiều lý do khác nhau.
“Trước đây tôi có con tàu vỏ gỗ 125CV đánh bắt gần bờ bằng nghề lưới vây. Tuy nhiên, lao động biển ngày càng ít, lớp trẻ đa số đi xuất khẩu lao động, bạn thuyền chỉ chọn theo tàu lớn để có thu nhập cao, tàu nhỏ như tôi không có lao động đành nằm bờ dài ngày” - ông Quang nói. Chán nản, tháng 4.2017 ông Quang quyết định bán tàu rồi xin làm bảo vệ ở một công ty nhưng lòng lúc nào cũng nhớ biển. Anh Ngô Văn Ánh (32 tuổi, trú khu phố 1, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cũng ngày đêm sầu não vì không được vay vốn đóng tàu 67 dù đã bỏ ra 45 triệu đồng làm đủ hồ sơ cần thiết hồi tháng 5.2017. Anh Ánh cho hay, khi anh trình hồ sơ lên ngân hàng đề nghị vay 13 tỷ đồng đóng tàu vỏ gỗ 820CV thì không được chấp thuận với lý do hết vốn. Trước đó, vì tin tưởng ngân hàng sẽ cho vay vốn nên tháng 4.2017, anh Ánh đã hợp đồng với Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt mua gỗ dựng khung và mũi tàu hết 250 triệu đồng, nay còn mắc nợ.
Ngư dân Ngô Văn Ánh bên phần khung và mũi tàu đã dựng vào tháng 4.2017 nhưng đến nay chưa được vay vốn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Phan Văn Quang đã bỏ tiền túi hoàn thành hồ sơ cần thiết nhưng chưa được ngân hàng cho vay đóng tàu 67. Ảnh: Ngọc Vũ
“Tôi còn trẻ, khỏe nên muốn đóng tàu lớn vươn khơi xa, vừa có thu nhập cao vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương. Nhưng nay không được cho vay đóng tàu, hàng ngày tôi phải đánh bắt gần bờ kiểu bữa đực bữa cái với con tàu 335CV, buồn và hụt hẫng lắm” - anh Ánh tâm sự.
Cần chính sách khuyến khích đóng tàu
Ông Nguyễn Văn Huân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, địa phương đã phê duyệt danh sách 32 chủ tàu (theo chỉ tiêu của Bộ NNPTNT) đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 116 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đến nay tỉnh đã có 109 tàu cá (25 tàu cá đóng mới và 84 tàu nâng cấp) được các ngân hàng xem xét thẩm định hồ sơ và ký kết hợp đồng vay vốn với tổng mức đầu tư hơn 533 tỷ đồng. Hiện tỉnh có 20 tàu đóng mới (13 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ) đã hoàn thành đưa vào hoạt động, hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, tỉnh còn 7 chủ tàu đóng mới và 35 chủ tàu nâng cấp nằm trong danh sách được phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu 67 nhưng chưa được các ngân hàng xem xét cho vay vốn.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để đảm bảo tính công bằng. Để làm được việc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Ngoại thương và Công Thương tham gia tích cực hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá.
Ông Đồng còn chỉ ra những bất cập như các nhà máy đóng tàu theo thiết kế đã được phê duyệt, trong đó có máy lái thủy lực chưa phù hợp, máy tời thu lưới không đủ công suất buộc các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa nhiều lần gây tốn kém.
Một số chủ tàu đã có quyết định phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nhưng theo thiết kế kỹ thuật và khái toán giá thành cao nên không có vốn đối ứng để thực hiện, nhất là tàu vỏ gỗ. Việc cơ cấu lại nợ đối với trường hợp bị chậm tiến độ hoàn thành do thay đổi, điều chỉnh thiết kế tàu chưa có. Ngân hàng Nhà nước chưa hướng dẫn việc cho vay đối với phần chi phí phát sinh vượt dự toán do điều chỉnh thiết kế để phù hợp với trình độ và năng lực đánh bắt của ngư dân. Do thiết kế đơn nghề nên các tàu đưa vào hoạt động chỉ có hiệu quả trong mùa chính, mùa phụ chưa có hiệu quả.
Theo ông Đồng, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 67 để khắc phục những bất cập trên, trong đó cho phép các chủ tàu và nhà máy tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm đối với các trường hợp máy lái, tời thu lưới hoạt động không hiệu quả, trục trặc kỹ thuật. Nghiên cứu triển khai kiêm nghề cho ngư dân để nâng cao hiệu quả đánh bắt.