Đó là cách ông Cho áp dụng để phản đối chính sách mới của Nhật Bản, giữa bối cảnh mối quan hệ ngoại giao cũng như thương mại giữa hai quốc gia Đông Á đi xuống rõ rệt trong thời gian gần đây.
Sự tức giận của người dân Hàn Quốc đã làm dấy lên phong trào bài trừ các sản phẩm và dịch vụ đến từ Nhật Bản. Phong trào này đang ngày một lan rộng, từ các sản phẩm may mặc cho đến các tour du lịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế Hàn Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang trong thời kỳ tăng trưởng thấp nhất một thập kỷ.
Cho đang là quản lý của siêu thị Purunemart, diện tích 1.500 m2 nằm tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ông quyết định tự nguyện tham gia phong trào bài xích lần này. Hơn 200 siêu thị và cửa hàng cũng đã và đang làm điều tương tự, theo thông tin từ Korea Mart Association, tổ chức đại diện cho các đơn vị bán lẻ.
“Nhật Bản đang tạo sức ép lên Hàn Quốc thông qua lệnh cắt giảm xuất khẩu và dường như họ không hề cảm thấy hối lỗi về những sai lầm của mình trong quá khứ. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Cho cho biết. Ông cũng sẽ không thay đổi quyết định cho dù doanh số bán hàng của siêu thị đã giảm 10-15%.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia leo thang kể từ khi tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho quân đội Nhật trong Thế Chiến II.
Hôm 4/7, Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu các nguyên vật liệu phục vụ trong ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao sang Hàn Quốc. Phía Nhật Bản không xác nhận sự liên quan giữa lệnh cấm này với phán quyết của tòa án Hàn Quốc.
Ảnh: Reuters.
Bia, quần áo và các kỳ nghỉ
Hàn Quốc đã rất kiềm chế để không tung ra các biện pháp trả đũa. Họ cho biết sẽ đệ trình vụ việc lên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Nhưng người dân Hàn Quốc lại không kiễn nhận đến thế, và bia chính một trong số những nạn nhân trực tiếp.
Hai hệ thống của hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc là CU và GS25, quản lý bởi hai tập đoàn bán lẻ là BGF Retail và GS Retail, chia sẻ rằng doanh số của sản phẩm bia Nhật Bản từ hệ thống các cửa hàng đã giảm lần lượt 21,5% và 24,2% trong hai tuần đầu tiên của tháng 7 so với hai tuần trước đó. Hệ thống siêu thị E-mart cũng công bố mức giảm lên đến 24,6%.
Hongcheon Culture Foundation- công ty tổ chức lễ hội bia, cho biết họ đã hủy đơn hàng 1,2 tấn bia Kirin cho lễ hội năm nay dù năm ngoái, doanh thu từ bán loại bia này chiếm tới 1/10 tổng doanh thu.
Hàn Quốc nhập khẩu đến 61% tổng sản lượng bia xuất khẩu của Nhật Bản với giá trị lên đến 7,9 tỷ yên trong năm 2018 (tương đương 73,13 triệu USD). Asahi Super Dry là nhãn hiệu bia được ưa chuộng nhất tại xứ sở kim chi với doanh số tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm trở lại đây, theo số liệu công bố bởi Euromonitor.
Người phát ngôn của Asahi cho biết công ty vẫn đang tăng trưởng tốt, nhưng lại từ chối trả lời về tác động của phong trào bài trừ tại Hàn Quốc.
Những bức ảnh chụp màn hình về việc hủy tour tham quan đến Nhật Bản đang trở thành một “trào lưu” trên mạng xã hội. Hanatour cho biết công ty hiện chỉ nhận được khoảng 500 đơn đăng ký du lịch Nhật Bản mỗi ngày, kém xa so với con số 1.100 trước đó.
Very Good Tour cũng cho biết lượng khách đặt lịch mới cũng đã giảm khoảng 10% trong khi số lượng khách hàng hủy tour lại tăng 10% mỗi tuần.
“Họ không nên tự mãn về bàn thân khi đã làm những điều sai trái”, theo Lee Sang-won, một nhà thiết kế 29 tuổi, người vừa bỏ ra 130.000 won (110,15 USD) để hủy chuyến đi Nhật Bản.
Kênh truyền hình Lotte Home Shopping cho biết họ cũng đã ngừng cho lên sóng các chương trình quảng cáo các tour du lịch Nhật Bản vì họ sợ có thể phải đối diện với những hệ quả không mấy tốt đẹp.
Jeju Air và Korean Air cũng công bố một sự “sụt giảm nhẹ” trong lượng khách đặt vé tới Nhật Bản với lời biện hộ là do các quảng cáo bị gỡ bỏ.
Tập đoàn Fast Retailing của Nhật Bản, đang sở hữu thương hiệu Uniqlo với doanh thu 140 tỷ yên (tương đương 6,6% tổng doanh thu của tập đoàn) từ 186 cửa hàng tại Hàn Quốc, cho biết họ cũng "dần cảm thấy hơi nóng phả vào gáy".
“Có một số ảnh hưởng nhất định lên doanh số bán hàng của chúng tôi”, giám đốc tài chính Takeshi Okazaki của tập đoàn chia sẻ. Tuy nhiên ông từ chối cung cấp những con số chi tiết.
Ảnh: Reuters.
'Người nhện mắc lưới'
Các chuyên gia kinh tế cho biết lệnh hạn chế xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến công nghệ có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm đi 0,4 điểm phần trăm trong năm 2019. Phong trào bài trừ của người dân Hàn Quốc cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự giảm tốc này, trừ khi họ chọn tiêu dùng các hoàng hóa thay thế.
“Chúng tôi lấy làm vui mừng khi sự kiện này đã khiến người tiêu dùng để ý đến thương hiệu bút của chúng tôi nhiều hơn, theo lời Park Seol, trợ lý giám đốc công ty sản xuất đồ dùng văn phòng phẩm Monami. Doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng 5 lần kể từ khi lệnh cấm từ phía Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực.
Shinsung Tongsang cho biết sản phẩm áo phông phiên bản giới hạn kỷ niệm quốc khánh Hàn Quốc mang nhãn hiệu TOPTEN 10 đã bán nhanh gấp 2 lần so với năm ngoái.
Cảm xúc của người dân đang bị đẩy lên cao. Bum-jin, 34 tuổi, một fan cuồng của vũ trụ điện ảnh Marvel, cho biết anh đã loại bỏ tất cả các sản phẩm bút viết đến từ Nhật Bản và không có ý định xem tập phim mới nhất về người nhện vốn được phân phối bởi Sony Pictures- một công ty có trụ sở tại Mỹ nhưng lại thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Sony Corp của Nhật Bản.
“Tôi yêu phim người nhện, nhưng tôi sẽ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để không xem nó”, anh cho biết.
Theo Reuters