Case study từ thiện cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh
Vụ việc nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn 15 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ lụt cho người dân miền Trung gây xôn xao dư luận và nhận nhiều chỉ trích trong thời gian qua. Nghệ sĩ này sau đó "chữa cháy" bằng việc giải ngân chóng vánh số tiền nói trên ngay giữa mùa nắng. Sau khi tiếp tục nhận ý kiến trái chiều từ dư luận, nghệ sĩ Hoài Linh đã lên tiếng nhận sai và nói rằng "đã không lường trước sự phức tạp khi làm thiện nguyện".
Cho dù đưa ra những lý do cá nhân nhưng có thể thấy rằng hành động kêu gọi ủng hộ và làm từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh hoàn toàn mang tính tự phát. Nhờ danh tiếng của mình, nghệ sĩ có thể huy động được số tiền lớn từ các mạnh thường quân, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi nếu việc sử dụng số tiền không đúng mục đích ban đầu, chi tiêu không đúng thời điểm và thiếu tính minh bạch...
Năm ngoái, nghệ sĩ Thủy Tiên thậm chí còn huy động được tới 178 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ. Đây là số tiền rất lớn và có ý nghĩa trong hoàn cảnh khó khăn.
Một điểm chung của cả hai ví dụ nói trên là việc làm từ thiện đều mang tính bộc phát và đứng đầu bởi các cá nhân. Ưu điểm của cách xử lý này là huy động vốn nhanh chóng và tạo hiệu ứng xã hội tốt, nhưng nhược điểm là thiếu tính chuyên nghiệp và rủi ro cho chính các nghệ sĩ. Một bước đi sai có thể ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của họ.
Quỹ Nam Phương của gia đình "ông trùm" truyền thông Đinh Bá Thành
Hoa hậu Nam Phương (1993), con gái ông Đinh Bá Thành
Trên thực tế, Quỹ Từ thiện, Quỹ Xã hội không phải là mô hình xa lạ.
Quỹ Từ thiện là các quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ, khắc phục sự cố do hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự hỗ trợ giúp đỡ của xã hội.
Trong khi Quỹ Xã hội với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các quỹ này đều không vì mục tiêu lợi nhuận.
Chúng tôi xin lấy ví dụ về Quỹ Nam Phương, một trong những đại diện của mô hình Quỹ Xã hội hiện đang hoạt động trên thị trường.
Nam Phương là quỹ được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập vào tháng 9/2013. Hoạt động chính của quỹ và vận động quyên góp tài trợ để hỗ trợ xây cầu mới và sửa chữa cầu cũ tại những nơi điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt ở vùng sông nước.
Quỹ Nam Phương được thành lập bởi gia đình ông Đinh Bá Thành - Người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DatVietVAC Group Holdings, tập đoàn truyền thông marketing và truyền thông giải trí thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.
Tên quỹ được đặt theo tên của bà Đinh Thị Nam Phương là con gái ông Đinh Bá Thành. Bà Phương sinh năm 1993, đóng vai trò là Chủ tịch Quỹ. Em trai của bà Đinh Bá Khang sinh năm 1997 là Phó Chủ tịch.
Ngoài ra, tại Quỹ Nam Phương, ông Đinh Bá Thành là cố vấn dự án. Trong khi vợ ông Thành là bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp là thành viên Hội đồng quản lý Quỹ và Tổng giám đốc. Bà Diệp cũng chính là người góp vốn thành lập quỹ ban đầu với số tiền 5 tỷ đồng.
Hoạt động cho đến nay được gần 8 năm, Quỹ Nam Phương công bố báo cáo tài chính và được kiểm toán hàng năm bởi các công ty kiểm toán lớn như Grant Thornton, KPMG và E&Y.
Quỹ Nam Phương được kiểm toán hàng năm bởi các công ty kiểm toán lớn
Tính đến 31/12/2020, số dư của Quỹ Nam Phương ghi nhận gần 17 tỷ đồng, tồn tại chủ yếu dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Trong năm vừa qua, Quỹ Nam Phương nhận tổng cộng hơn 4,7 tỷ đồng tiền tài trợ. Tuy nhiên, Quỹ còn một nguồn thu khác đến từ lãi tiền gửi số tiền được tài trợ trong quá khứ, xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Quỹ chi ra hơn 2,3 tỷ đồng tài trợ cho các dự án gồm cầu Khang Phúc, cầu Hạnh Phúc, cầu Khang Lâm, cầu Khang Phát, cầu Khang Ninh. Năm ngoái, hàng chục cây cầu khác cũng đã được Quỹ Nam Phương rót vốn.
Quỹ Nam Phương công bố nguyên tắc sử dụng quỹ rõ ràng đối với hoạt động tài trợ và cho hoạt động quản lý quỹ.
Ví dụ:
- Với nguồn huy động từ các hoạt động khác, phải đảm bảo giải ngân tối thiểu 70% nguồn vốn huy động được trong năm tài chính. Trường hợp không giải ngân hết 70% cần giải thích rõ trong báo cáo tài chính năm gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
- Chi cho hoạt động quản lý quỹ tối đa không quá 5% tổng thu hàng năm của Quỹ (không bao gồm các khoản tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng).
- Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá 5% tổng thu hàng năm sẽ phải có ý kiến của Bộ Tài chính.
- Trường hợp chi phí quản lý quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Năm ngoái, chi hoạt động của Quỹ Nam Phương khoảng 214 triệu đồng. Đây là các khoản lương và thanh toán cho nhân viên, cộng tác viên của quỹ. Số lượng thành viên của Quỹ chỉ là 8 người, trong đó 7 người là thành viên hỗ trợ không nhận lương.
Năm 2018 – 2019, tổng chi của Quỹ Nam Phương tăng đột biến một phần đến từ khoản chi khác 8,8 tỷ đồng. Đây thực chất là các khoản tiền gửi nguồn tiền thu được từ tài trợ kỳ hạn ngắn hưởng lãi suất.
Quỹ kiến tạo những cây cầu
Cầu Bình An vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng khánh thành năm 2019, một trong hàng chục cây cầu được đầu tư bởi Quỹ Nam Phương
Xuất phát từ ý tưởng thay thế những cây cầu cũ kỹ, xuống cấp bằng những cây cầu vững chắc, để trẻ em vùng sông nước đến trường an toàn. Quỹ Nam Phương đóng góp 71% tổng giá trị xây dựng của các cây cầu, địa phương đối ứng 29% còn lại dưới nhiều hình thức, có thể là tiền, sức lao động hoặc vận chuyển vật liệu.
Cây cầu đầu tiên mà Quỹ Nam Phương góp phần xây dựng đặt tại xã Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vào tháng 9/2011. Kể từ đó đến nay, hàng chục cây cầu đã và đang được dựng nên minh chứng tính hiệu quả của mô hình Quỹ Nam Phương.
Quay trở lại với những người sáng lập Quỹ, ông Đinh Bá Thành và DatvietVAC có đầy đủ tiềm lực và danh tiếng để có thể tổ chức các sự kiện gây quỹ. Tuy nhiên, cách làm bài bản và minh bạch mới chính là con đường để việc từ thiện và hoạt động xã hội có thể tạo được sức ảnh hưởng lâu dài và chiếm trọn được niềm tin của cộng đồng.
Các khoản chi xây cầu của Quỹ Nam Phương trong năm vừa qua