CTCP Siam Brothes Việt Nam (mã chứng khoán SBV) công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Siam Brothers Việt Nam được biết đến là một trong những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh "độc, lạ" trên sàn chứng khoán. Cụ thể, Công ty chuyên bán các loại dây thừng, dụng cụ ngành cá cho ngư dân với các thương hiệu như Con Gà và Hải Mã. Hiện tại, doanh thu của SBV đến từ hai mảng chính là dây thừng và các sản phẩm khác, trong đó, dây thừng là sản phẩm chủ lực.
Quý 4 vừa qua doanh thu thuần đạt 207 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Do chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, dẫn đến lãi sau thuế quý 4 giảm 11,3% so với cùng kỳ, còn hơn 39 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi tháng vẫn lãi sau thuế xấp xỉ chục tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2021 doanh thu công ty đạt hơn 516 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm trước đó. Tính bình quân, nhờ bán dây thừng, lưới đánh cá các loại, doanh thu mỗi tháng của công ty đạt xấp xỉ 129 tỷ đồng.
Trong năm chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Báo cáo chi tiết ghi nhận chi phí quà tặng khách hàng cả năm gần 23 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm trước đó, trong khi đó chi phí khuyến mãi giảm được 5 tỷ đồng, về hơn 8 tỷ đồng. Chi phí thuê kho tăng hơn gấp 3 lần, lên trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2021 Siam Brothers Việt Nam ghi nhận khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản hơn 40 tỷ đồng và chi khác khoản giá trị còn lại của tài sản cố định hơn 24 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận khác ghi dương hơn 24 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cả năm của Siam Brothers Việt Nam giảm 22,3% so với năm 2020, đạt hơn 52 tỷ đồng. EPS đạt 1.913 đồng.
Nhắc đến Siam Brothers Việt Nam, nhà đầu tư ấn tượng đầu tiên là doanh nghiệp bán dây thừng duy nhất trên sàn. Ấn tượng tiếp theo là việc công ty luôn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, lãi đều đặn dăm sáu chục tỷ trong nhiều năm trở lại đây. Siam Brothes cũng là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao cho cổ đông.
Báo cáo tài chính năm 2021 vừa qua của công ty có khoản chi tiết chi phí quà tặng cho khách hàng lũy kế cả năm lên đến gần 23 tỷ đồng, tăng 8,6 tỷ đồng so với năm trước đó. Khoản chi này còn chưa tính đến chi phí khuyến mãi 8,5 tỷ đồng cả năm.
Nhắc đến "dây thừng" và "quà tặng" lại nhớ tới một doanh nhân người Nhật với bài học bán hàng không lợi nhuận suốt một thời gian dài. Cái tên Shimamura Yoshio – được giới đầu tư biết đến thông qua một "câu chuyện" truyền miệng về bài học bán hàng, thành một trong những bài học được các nhà diễn giả thường dùng. Khởi đầu sự nghiệp, ông là nhân viên bán hàng cho một nhà máy nguyên liệu bao gói, sau đó đổi nghề làm buôn bán dây thừng. Để bán được nhiều hàng, trước hết ông đến nhà máy, đặt mua loại dây thừng dài 45cm với giá 0,45xu, sau đó bán lại cho các nhà máy vùng Tokyo nguyên giá. Ông duy trì hình thức buôn bán này 1 năm không có lãi. Tiếng tăm "dây thừng Shimamura rẻ" đã được lan truyền khắp nơi.
Đến lúc này, ông lại tiến thêm 1 bước, cầm hóa đơn mua hàng tại nhà máy, đến từng hộ mua hàng và trình bày: lâu nay tôi không lấy một đồng tiền lãi nào, nhưng cứ tiếp tục phục vụ như thế sẽ khó duy trì dài lâu, mong quý khách đồng ý cho nâng giá lên thành 0,55xu mỗi sợi. Đồng thời ông đến nhà máy sản xuất, cũng trình bày tương tự và mong muốn giảm được một ít để duy trì. Nhà máy sản xuất xem xét xong tình hình, tự nguyện hạ giá sản phẩm còn 0,4 xu mỗi sợi.
Chỉ mấy năm sau đó ông trở thành doanh nhân nổi tiếng, giàu có. Thuật "bán hàng nguyên giá" của ông cũng được nhiều người áp dụng thành công, trở thành bài học bán hàng đắt giá.
Trên thực tế, việc quà tặng khách hàng của Siam Brothers và việc nghệ thuật bán hàng nguyên giá của Shimumaru cũng có thể có những sự liên kết. Siam Brothers vẫn duy trì doanh thu nghìn tỷ đồng từ kinh doanh dây thừng, vẫn duy trì lãi lớn hàng năm, và vẫn duy trì khoản chi quà tặng khách hàng từ nhiều năm nay.