Nhiều doanh nhân Việt “lắc đầu” trước những lời hỏi mua cổ phần của đối tác “ngoại”.
Không bán doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu Việt
Năm 2017, một tập đoàn lớn của nước ngoài gần như đã thỏa thuận xong việc mua lại một thương hiệu Việt là Sunhouse. Mức giá tập đoàn này đưa ra là 250 triệu USD. Tuy nhiên, ở những phút cuối cùng, ông chủ Sunhouse đã hủy bỏ thỏa thuận này. Cũng may mắn, đối tác đặt mua có một “lỗi” nên việc hủy bỏ việc mua bán không gây ra những rắc rối pháp lý.
Xuất thân từ một người làm thương mại vào những năm 1990-2000, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse, cảm thấy ngạc nhiên khi Việt Nam cái gì cũng nhập khẩu, kể cả những thứ đơn giản nhất, không khó để sản xuất.
“Điều ấy thôi thúc tôi đầu tư vào 'Made in Vietnam' và là lý do tôi lập nhà máy sản xuất", ông Phú kể.
Thương hiệu Việt luôn bị các đối tác ngoại "nhòm ngó". |
Nhưng, sản xuất thôi là chưa đủ. Sản phẩm phải có thương hiệu, bởi giá trị của thương hiệu lớn hơn những chi tiết được lắp ráp đơn thuần.
“Tại sao một chiếc sơ mi mang thương hiệu nước ngoài lại bán gấp rưỡi thương hiệu Việt Nam mà vẫn bán được và người mua lại chính là người Việt. Thời điểm đó, tôi cũng thấy một loạt thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bán cho nước ngoài. Cũng vì cái tôi của mình, cho nên tôi muốn giữ lại thương hiệu Sunhouse”, ông Nguyễn Xuân Phú bộc bạch lý do giữ lại “đứa con tinh thần” của mình.
Bà Trần Uyên Phương, đại diện Tân Hiệp Phát, từng chia sẻ công khai câu chuyện từ chối 2,5 tỷ USD từ một doanh nghiệp ngoại tại một hội thảo về thương hiệu Việt.
Câu chuyện này xảy ra từ năm 2012, khi tập đoàn Mỹ đến gõ cửa và đưa ra số tiền lớn để mua cổ phần của Tân Hiệp Pháp. Mất gần 1 năm trời đàm phán, chia sẻ chủ trương phát triển công ty, cuối cùng, Tân Hiệp Phát đã từ chối lời mời hợp tác trị giá 2,5 tỷ USD từ “ông lớn” này.
Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: "Đối tác yêu cầu Tân Hiệp Phát chỉ được bán sản phẩm ở Việt Nam, Lào và Campchia và không được ra các sản phẩm mới nữa. Chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm của châu Á ra thế giới, đó là lý do chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các nhà máy mới và từ chối lời đề nghị vào năm 2012".
Thực tế suốt bao năm qua, vì nhiều lý dó, các doanh nhân Việt đã bán đi doanh nghiệp cho đối tác nước ngoài. Đọc những cái tên nổi tiếng như X-men, Diana, P/S, Kinh Đô, Nguyễn Kim,... nhiều người không khỏi nuối tiếc khi nhà sáng lập, tạo ra các thương hiệu này là người Việt Nam. Qua các đợt liên doanh, liên kết, nhượng lại cổ phần, giờ đây những thương hiệu kể trên đã thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài như Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản.
Cũng không ít người cho rằng, nếu không thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài, nhiều thương hiệu trong số đó cũng khó có thể nổi tiếng như hiện nay bởi những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp Việt. Song, cũng không ít nhà đầu tư "ngoại" mua lại doanh nghiệp Việt chỉ nhằm mục đích giảm bớt đối thủ cạnh tranh, để họ chiếm thế thượng tôn trên thị trường nội địa.
Chờ sự vươn lên của doanh nghiệp “nội”
Nhìn nhận lại quá trình phát triển, dễ dàng nhận thấy các thương hiệu Việt vươn ra được nước ngoài vẫn còn khá hạn chế. Cho dù hàng xuất khẩu “made in Vietnam” phủ sóng khắp 5 châu, kể cả ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, nhưng hầu hết hàng Việt vẫn là “gia công, lắp ráp”. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có được những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực như hàng không, bất động sản, thực phẩm, bán lẻ,... đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, việc mua - bán doanh nghiệp không còn là “sân chơi” độc tôn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải bán lại cho đối tác khác, nhưng điểm khác biệt là các doanh nghiệp “nội” đã bên mua lại, để tạo thế cân bằng hơn trong cuộc đua với các doanh nghiệp “ngoại” trong nhiều lĩnh vực cốt yếu.
Các tập đoàn tư nhân của Việt Nam tham gia vào nhiều thương vụ "mua bán - sáp nhập" doanh nghiệp. |
Theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập (CMAC Institute), các thương vụ sáp nhập và mua lại nổi bật nhất trong năm 2019-2020 liên quan đến các tập đoàn tư nhân của Việt Nam. Trong đó điển hình là Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk. Masan Consumer nhận chuyển nhượng VinCommerce & VinEco, Vinamilk mua công ty mẹ của Sữa Mộc Châu; Thaco tham gia tái cấu trúc Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Việc phải bán doanh nghiệp đôi khi là quyết định khó khăn với nhiều ông chủ Việt, nhưng đó là sự khắc nghiệt của thương trường, của kinh tế thị trường. Điều quan trọng là để xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt hùng mạnh, vững vàng trong thị trường nội địa, nổi tiếng ở thị trường toàn cầu, cần tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp Việt lớn lên, để nếu một doanh nghiệp này có bán đi, thì những doanh nghiệp Việt khác đủ sức mua lại, thay vì nhượng lại cho đối tác nước ngoài. Bởi xét cho cùng, việc xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt đủ mạnh mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau.
Câu chuyện phía sau việc Vingroup quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinMart, chuỗi VinMart+ và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan là điều đáng suy ngẫm. Khi chuyển giao việc điều hành các doanh nghiệp kể trên, Vingroup quyết định hợp lực với DN nội chứ không hợp tác với DN nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước.
Tới thời điểm này, nhiều người vẫn không khỏi nuối tiếc khi đề cập đến chuyện bia Sài Gòn rơi vào tay người Thái, cho dù mức giá bán thời điểm đó đến nay vẫn được xem là “được giá”. Để không phải ngậm ngùi nhìn cảnh các thương hiệu Việt bị nước ngoài thâu tóm, hơn lúc nào hết cần xây dựng chiến lược cụ thể để tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp Việt.
Hà Duy