Sau khi thôi chức chủ tịch “0 đồng”, CEO trẻ 8X của Gelex liên tục tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm lên trên ngưỡng 35%, chi phối DN hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện, xây dựng và nước sạch.
Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) cho biết, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex vừa đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu GEX theo phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 14-29/10.
Việc ông Tuấn sẽ nhận chuyển nhượng số cổ phiếu trên thực hiện theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2021 cho phép ông Tuấn và người liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu vượt mức 35% mà không cần phải làm thủ tục chào mua công khai theo quy định.
Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ nâng số lượng cổ phiếu GEX nắm giữ từ 138,4 triệu đơn vị lên thành 146 triệu đơn vị, tương ứng 18,75% vốn điều lệ.
Bà Đào Thị Lơ - mẹ của ông Tuấn đang nắm giữ 24 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 3,07% vốn). Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX - nơi bà Lơ đang giữ chức giám đốc cũng đang sở hữu gần 104 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 13,3%).
Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Tuấn hiện đang là 34,09% vốn (hơn 266,3 triệu cổ phiếu). Dự kiến sau giao dịch chuyển nhượng sẽ tăng lên thành hơn 35,1% (hơn 274,3 triệu cổ phiếu) và nắm quyền phủ quyết.
Tin chứng khoán ngày 11/10: Đại gia Tuấn Mượt tiếp tục muốn nâng sở hữu tại Gelex. |
Trước đó, hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, ông Nguyễn Văn Tuấn đã chi khoảng 600-650 tỷ đồng để mua vào 30 triệu cổ phiếu GEX, nâng sở hữu từ 11,57% lên 17,7% vốn điều lệ.
Sau một thời gian dài nắm giữ chức vụ chủ tịch nhưng không sở hữu cổ phiếu, giữa 2020 Nguyễn Văn Tuấn đã liên tục mua vào cổ phiếu Gelex. Hồi 8/2020, ông Tuấn đã rời chức vụ chủ tịch và chỉ còn là thành viên HĐQT kiêm CEO của Gelex. Ông Nguyễn Hoa Cương hiện là chủ tịch.
Quyết định mua cổ phiếu GEX được ông Tuấn đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu này gần đây tăng giá nhưng vẫn chậm hơn so với thị trường chung. Gelex chỉ tăng vài chục phần trăm trong 3 năm qua, trong khi cổ phiếu lớn nhiều ngành tăng 2-3 thậm chí 6-7 lần từ đầu năm tới nay.
Gelex là một DN được đánh giá tiềm năng với các chỉ số tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định và sở hữu những thương hiệu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực tiềm năng như Cadivi thiết bị điện, Melia khách sạn, logistics, nước sạch Sông Đà, Viglacera…
Biến động chỉ số VN-Index. |
Dù ảnh hưởng Covid-19, trong 2020 doanh số ở nhiều đơn vị thuộc hệ thống Gelex vẫn tăng trưởng tốt, trong khi hàng tồn kho giảm mạnh, mà chủ yếu nhờ chiến lược luân chuyển nhanh.
Năm 2021 với việc hợp nhất được Viglacera, Gelex đặt mục tiêu đặt mục tiêu tổng doanh thu 28.540 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Cổ tức tối đa 10%.
Gelex dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera và KCN Dầu khí Long Sơn. Gelex đang đầu tư lớnvào năng lượng tái tạo, các dự án Điện gió Hướng Phùng 2,3 và Quảng Trị 1,2,3 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9 tới. Ngoài ra là dự án Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió Đăk Lăk (200 MW), Điện mặt trời Bình Phước (480MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW).
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 11/10
Mở cửa thị trường hôm nay với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã tăng mạnh như TCB, CTG, VIB, STB, HDB tăng hơn 2%; còn BID, MBB, ACB, OCB... đang tăng hơn 1%. TCB đang là cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng tại nhóm VN30. Cổ phiếu ngân hàng này hôm nay tăng hơn 3% đẩy giá lên 52.300 đồng/cp. Trong đó, SHB tăng 3,5%. Hôm nay, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu SHB chính thức giao dịch trên sàn HoSE. Trước đó, SHB giao dịch cuối cùng trên HNX vào 5/10 với giá đóng cửa là 28.900 đồng/cp.
Nhóm các cổ phiếu ngành thép cũng giao dịch khởi sắc với các mã trong ngành như HPG, HSG, TLH, POM, SMC, NKG có mức tăng trên dưới 2%.
Ở hướng ngược lại, GAS, PNJ, FPT, NVL... giảm giá và phần nào gây áp lực lên đà tăng của các chỉ số.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 10,97 điểm (0,8%) lên 1.383,7 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng, 191 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,03 điểm (0,55%) lên 373,95 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 105 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,23%) lên 98,53 điểm.
Theo BSC, tuy thị trường đã vượt lên ngưỡng 1370 điểm vào phiên cuối tuần nhưng thanh khoản thị trường cũng suy giảm vào phiên này. Điều này cho thấy, đà tăng của thị trường vẫn ở mức khá yếu và nhiều khả năng, thị trường sẽ duy trì nhịp vận động trong vùng 1.350-1.380 điểm vào tuần sau.
Theo YSVN, thị trường có thể duy trì đà tăng trong các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể thử thách ngưỡng 1.380 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy các nhịp điều chỉnh của thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc trong phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng dần trong vùng lạc quan cho thấy chiến lược phù hợp ngắn hạn là tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.
Chốt phiên chiều 8/10, chỉ số VN-Index tăng 6,74 điểm lên 1.372,73 điểm. HNX-Index tăng 1,52 điểm lên 371,92 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 98,3 điểm. Thanh khoản đạt 21,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 17,9 nghìn tỷ đồng.
V. Hà