Chuyện 5% cổ phần thừa kế Trung Nguyên
Nội dung bức thư phía bà Thảo đưa cho ông Vũ được cho là của các con có nội dung như sau:
"Kính thư HĐXX, thưa Ba và bà nội. Chúng con là Bin anh (Đặng Lê Trung Nguyên) và ba em là Đặng Lê Bình Nguyên (Bin em), Đặng Lê Thảo Nguyên (Tina); Đặng Lê Tây Nguyên (Tini).
Hôm nay chúng con không muốn và không thể tham gia phiên tòa xử ly hôn của ba mẹ nên chúng con viết thư này kính gửi đến ba và bà nội.
Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con. Tuy nhiên, chúng con lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ba mẹ, chúng con vẫn phải tuân lời ba mẹ! Chúng con luôn mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa.
Chúng con cũng rất tự hào về sự nghiệp mà ba mẹ đã tạo dựng nên và nhớ lời căn dặn của ông nội, chúng con luôn nỗ lực học hành giỏi giang và mong ước được kế nghiệp, giữ gìn sản nghiệp của gia đình mình, bước tiếp con đường mà ba mẹ đã tạo dựng, tiếp tục xây dựng Trung Nguyên thành tập đoàn cà phê hàng đầu trên toàn cầu.
Vì vậy, chúng con, 4 anh em kính xin ba và bà nội cho chúng con 5% cổ phần mà ba đang sở hữu tại tập đoàn Trung Nguyên để chúng con có được cơ hội kế nghiệp và tiếp bước con đường của ba.
Con cầu mong một ngày nào đó, ba mẹ và gia đình mình lại đoàn tụ, hạnh phúc như xưa. Cầu mong ba và bà nội nhiều sức khỏe!".
Nói về việc đề xuất thừa kế 5% cổ phần của các con, ông Vũ cho biết: "Tình cảm của các cháu tôi ghi nhận. Cái này không cần thiết... Về 5%, tôi nói với các con khi nào các con lớn, tôi sẽ giao toàn bộ cho các con. Đối với tôi, 5% cổ tức hay cổ phần không là gì... Mẹ các con dùng mọi thứ để giành quyền không từ thủ đoạn nào".
Chuyện thừa kế tài sản, kế thừa sự nghiệp tại các doanh nghiệp lớn Việt Nam bắt đầu được các doanh nhân sáng lập chuẩn bị từ khá sớm. Quan điểm của họ đều có điểm chung là không nặng nề về lượng tài sản nhưng đề cao đến trách nhiệm điều hành, học hỏi từ thực tế doanh nghiệp.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Không để con cái hủy hoại sự nghiệp nhiều người xây dựng
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Tuổi trẻ hồi đầu năm 2019, khi được hỏi về câu chuyện ươm mầm cho thế hệ thứ hai, ông Vượng cho biết: "Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân.
Cháu và mấy đứa bạn nữa cứ chở từ đầu này đến đầu kia sắp xếp xong là được 100 đô, cứ như vậy làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động. Như con bé út nhà tôi bây giờ cũng thế, ăn cơm xong là phải đi dọn bát, làm việc nhà.
Quan điểm của tôi là không bắt sau này các con phải ôm công việc của bố. Các con yêu thích và có năng lực đến đâu thì làm đến đấy, không thì thôi, không thể hủy hoại cái sự nghiệp mà bao nhiêu người tâm huyết xúm lại làm mới ra được.
Ngay cái anh này (ông khoát tay chỉ cậu con trai đầu đang ngồi bên cạnh mình) bây giờ cũng phải đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được."
Quan điểm dạy con của ông Phạm Nhật Vượng khá tương đồng với các doanh nhân khác tại Việt Nam: Không ép con làm việc của mình, cho con nếm trải đủ các vị trí trong hoạt động kinh doanh gia đình từ đó học hỏi từ thực tiễn. Từ thực tiễn, thế hệ F2 sẽ có cơ hội "được" mắc sai lầm. Họ hiểu rõ sai lầm là những người thầy tuyệt vời. Tuy nhiên ông cũng khẳng định rõ ràng không vì chuyện thừa kế cho con mà để ảnh hưởng đến sự nghiệp mà nhiều người vất vả gây dựng.
Tỷ phú Lê Thanh Thản: Kiểu gì cũng phải chuyển giao
Chia sẻ trong tạp chí Forbes, đề cập đến quyết định táo bạo chuyển giao quyền điều hành cho con gái, ông Thản nói: "Kiểu gì mình cũng phải chuyển giao, vì vậy chuyển giao càng sớm càng tốt. Mình đã đến tuổi nghỉ hưu từ lâu rồi."
Như bất kỳ cuộc chuyển giao kinh doanh gia đình nào khác, mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ từ việc thuyết phục đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, quản lý chất lượng nhân sự.
Tất nhiên giữa 2 thế hệ có nhiều sự khác biệt. Ông Thản tự nhận mình "thuộc dạng cũ kỹ" trong khi con gái Lê Thị Hoàng Yến "nắm bắt được nhiều cái mới, áp dụng kiến thức". Tất nhiên theo ông, điểm yếu của cô là thiếu kinh nghiệm phải học nhiều. Chưa có kinh nghiệm phải làm nhiều và ông đứng đằng sau hỗ trợ.
Tỷ phú Nguyễn Tuấn Hải: Thừa kế thì dễ nhưng kế thừa lại là việc khác
"Tôi tin tôi làm không tốt bằng các con mình... thực tế đang chứng minh như thế", chủ tịch tập đoàn Alphanam lý giải việc ông để các con giữ vai trò điều hành và chịu trách nhiệm từ sớm.
Thực tế hai con của ông là Nguyễn Ngọc Mỹ và Nguyễn Minh Nhật cũng sớm nếm trải những thất bại thương trường. Nhà hàng 1915 Indochine tại ngôi biệt thự trên đường Bà Triệu là nhà hàng đầu tiên của CTCP Alphanam Food ra đời năm 2014, đã đóng cửa sau một năm hoạt động.
Ngọc Mỹ thừa nhận đó "là một thất bại cá nhân duy nhất về chủ trương," khi sau đó cô đi học thạc sĩ và không thể tiếp tục sát sao điều hành. Nhưng việc kinh doanh nhà hàng giúp cô học được rất nhiều về các đầu mục quản lý, về con người, đặc biệt là tiếp thị và bán hàng, từ đó giúp cô tự tin khi đàm phán với các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài vài năm qua.
Còn Minh Nhật cho biết mình đã mất trắng khoản đầu tư chứng khoán ở Mỹ với số vốn được bố cấp ban đầu, vì không hiểu thị trường và khi đó "chưa hiểu được giá trị của đồng tiền."
Nhìn lại những thất bại của các con, ông Tuấn Hải cho rằng mình để cho các con làm những công việc mới chính là cách tiếp tục đào tạo kỹ năng, chi tiết và tốc độ, hoàn thiện kiến thức quan trọng trong kinh doanh.