Những ngày đầu tháng 3, thông tin ông Nguyễn Hữu Đường (thường được gọi là Đường bia), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình rao bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake với giá khởi điểm 250 triệu USD (hơn 5.800 tỷ đồng) đã gây xôn xao dư luận.
Vị đại gia này tiết lộ lý do phải bán khách sạn là do kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp hết tiền. “Phải bán đi một thứ là niềm tự hào của mình thì đấy là một điều đau thương, xót xa. Nhưng khách sạn liên tục thua lỗ, công ty hết tiền. Nếu tiếp tục thì doanh nghiệp chỉ có phá sản, vỡ nợ”, ông Đường cho biết.
Theo ông Đường: “3 năm Covid-19, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay). Đơn cử, khách sạn Somerset Hoa Binh năm 2019 lãi 31 tỷ, năm 2020 lãi 2,2 tỷ, năm 2021 lỗ 4,1 tỷ nhưng năm 2022 lỗ 19 tỷ. Năm 2022 lỗ nặng như vậy vì mở ra chỉ được 30% phòng được lấp đầy vì không có khách nước ngoài đến Việt Nam”.
Câu chuyện của đại gia Đường bia chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện “đau lòng” mà ngành khách sạn, lưu trú đang trải qua. Không ít những chủ khách sạn đã kiệt quệ khi chịu lỗ qua Covid-19 đến khi dịch bệnh đi qua tưởng chừng “mùa xuân” đã về nhưng khách quốc tế nhỏ giọt đã khiến nhiều khách sạn khó khăn thêm một lần nữa và không ít cái tên đã mất hẳn trên thị trường.
Có thể nói chưa bao giờ ngành khách sạn khó khăn như bây giờ. Dạo quanh một vòng các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, nội dung liên quan bán khách sạn xuất hiện nhiều chưa từng thấy. Nếu trước đây, muốn tìm mua khách sạn ở khu vực trung tâm Q.1 (TPHCM) hay quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không dễ vì đa phần đang kinh doanh tốt, có doanh thu ra vào. Có chăng chỉ sang nhượng. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng rao bán khách sạn tăng đột biến, với nhiều lý do, nhưng trong đó có nguyên nhân vắng du khách quốc tế kéo dài.
Khảo sát thực tế thị trường, tại TPHCM hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân....rao bán la liệt. Cụ thể, trên đường Đỗ Quang Đẩu (Q.1), một trong bốn đường chính làm nên khu phố Tây (cùng với Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão), một căn mặt tiền rộng 150m2, rao bán với giá 130 tỉ đồng. Trên đường Lê Thị Riêng, khách sạn 400m2 rao bán 315 tỉ đồng. Căn góc Lý Tự Trọng - Lê Anh Xuân, Q.1, 50 phòng, giá bán 420 tỉ...
Tại Hà Nội, thiếu vắng khách du lịch đã khiến nhiều khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội phải đăng tin rao bán ồ ạt. Nhiều khách sạn từ 4 sao trở xuống nằm trên những tuyến phố cổ Hà Nội như Lê Ngọc Quyến, Hàng Chiếu, Mã Mây, Hàng Trống...được rao với giá từ 100 - 500 tỉ đồng. Đơn cử, tại phố Lương Ngọc Quyến, khách sạn mặt tiền 9m, diện tích xây dựng trên 306m2, gồm 7 tầng 40 phòng, được chào bán ban đầu là 320 tỉ đồng, nay chủ nhà giảm 80 tỉ đồng còn 240 tỉ đồng, có thương lượng thêm. Đáng nói, dù bán cắt lỗ, giảm giá sâu nhưng vẫn không có người mua.
Anh Huy Hùng - quản lý một khách sạn tại khu vực phố cổ cho hay, phần lớn khách sạn khu vực trung tâm phố cổ đều phục vụ nhóm khách quốc tế. Do từ năm 2022 đến nay lượng khách lưu trú vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây. Do đó, nhiều khách sạn không có khách, thậm chí phải liên tục giảm giá phòng để hút khách. Nhưng giảm giá cũng chỉ đạt 45-50% công suất phòng. Chính vì thế, càng kinh doanh càng lỗ, thu không bù chi, nhiều khách sạn đóng cửa, chuyển đổi công năng thành văn phòng cho thuê. Nhiều khách sạn chủ nhà treo biển sang nhượng.
Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế quá ít là nguyên nhân khiến cho ngành khách sạn lao đao. Không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…cũng trong tình trạng khó khăn tương tự khi lượng khách du lịch quốc tế đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây (không tính thời điểm dịch bệnh).
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) dẫn chứng gần 1 năm sau khi mở cửa du lịch trở lại, đến nay lượng du khách quốc tế có nhưng không như kỳ vọng. Tốc độ phục hồi ngành du lịch ở Việt Nam thấp nhất so với các nước trong khu vực. Cụ thể, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Tương tự, ở các trung tâm du lịch khác như Phú Quốc, Hạ Long… những tháng cuối năm 2022 kéo dài đến quý 1 năm nay là mùa cao điểm đón khách quốc tế nhưng lượng khách thực tế không nhiều.
Theo bà Trần Nguyện, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến Việt Nam chưa hút được nhiều khách quốc tế. Trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa. Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử (e-visa) cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn 66 quốc gia, Thái Lan miễn 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên đến 3-6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.
Cùng với visa, các sản phẩm du lịch chưa phong phú cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được khách du lịch đến Việt Nam. Theo TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, trong một thời gian rất dài hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi, chưa có nhiều sản phẩm khác biệt. Hay như phát triển kinh tế đêm, dù Việt Nam đã có một chút cởi mở nhưng vẫn chưa phát triển được. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 7,5 USD/người/đêm trong khi ở Thái Lan họ chi hơn 30 USD/người/đêm và ở Singapore là hơn 100 USD...
Thiếu khách quốc tế không chỉ gây “cuộc khủng hoảng” cho ngành khách sạn, mà còn hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới du lịch như hàng không, vận tải, thương mại dịch vụ,… Kéo theo đó là cuộc sống thay đổi, bấp bênh, mất việc… của hàng trăm nghìn lao động.
Năm 2023, Việt Nam lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón gần 30 triệu lượt. Các chuyên gia cho rằng đây là con số “giật mình” bởi nếu Việt Nam không thay đổi cách làm, nới rộng chính sách đón khách quốc tế du lịch Việt Nam sẽ luôn trong tình trạng đi sau so với các quốc gia trong khu vực.
Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm, từ ngày 15/3/2022 nhưng đến nay vẫn duy trì chính sách visa khá khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít và số ngày lưu trú chỉ 15 ngày. Trong khi đó, dù đi sau nhưng Thái Lan đã tạo ra lợi thế cạnh tranh sau dịch COVID-19 khi kéo dài thời gian lưu trú lên đến 45 ngày. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã khôi phục chính sách evisa hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm…
Theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), nếu chúng ta cứ đi lùi thì hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế, lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động. Nhiều khách sạn được chào bán để trả nợ ngân hàng.
Đồng quan điểm với ông Nam, đại diện ngành du lịch TPHCM, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng nhấn mạnh việc cần xem xét tháo gỡ về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú cho du khách. Vấn đề visa chỉ là một phần trong phát triển du lịch bền vững, nhưng khi mở được nút thắt đầu tiên này sẽ tạo động lực cho toàn ngành phục hồi và phát triển", bà Hoa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, cần làm ngay việc mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, hướng tới các quốc gia có mức chi tiêu cao, nhu cầu lưu trú dài như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, Ấn Độ… Mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam. Đồng thời đẩy nhanh, rút ngắn thời gian xét duyệt visa điện tử ở mức tối đa. Trong dài hạn, liên quan tới sửa đổi, bổ sung Luật, cần nghiên cứu kỹ về thời hạn thị thực để bắt kịp xu thế, tránh phải sửa nhiều lần. Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng nên tăng thời hạn thị thực lên 90 - 180 ngày; thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Bên cạnh chính sách visa, việc hút khách quốc tế cần được quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam qua mọi phương tiện: Đường hàng không, đường tàu biển, đường bộ qua các cửa khẩu. Hiện nay du khách Campuchia, tới đây là khách Trung Quốc sẽ đi qua cửa khẩu đất liền rất nhiều, cho nên cần chú trọng đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện đi lại.