Bị tròng xích quanh cổ, nhốt cả ngày trong nhà kho lạnh buốt, đoạn video về người phụ nữ tâm thần bị chồng giam giữ như tù nhân đã khiến xã hội Trung Quốc rúng động, bên cạnh những lùm xùm xoay quanh Olympic Bắc Kinh đang diễn ra.
Người phụ nữ bị giam giữ, sau được xác định là họ Yang, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khi nội dung đoạn video cho thấy cô phải sống trong điều kiện khổ sở như thế nào tại ngôi làng ở huyện Phụng Hiền, Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Người phụ nữ họ Yang bị chồng xích cổ, giam giữ trong nhà kho rét âm độ dịp Tết Nguyên Đán
Với rất nhiều người Trung Quốc, hình ảnh người mẹ 8 con ăn mặc rách rưới, ngồi co ro trong nhà kho lạnh dưới 0 độ C đã vô tình gợi nhớ khoảng ký ức kinh hoàng từng bị xã hội bỏ quên, khi các vùng nông thôn của quốc gia này đối mặt với nạn buôn bán và bạo hành phụ nữ.
Sau rất nhiều lần phủ nhận, chính quyền địa phương cuối cùng đã thừa nhận khả năng có chuyện buôn người trong vụ việc này vào hôm 10/2. Nhưng điều quan trọng là các nhà nhân khẩu học cho rằng sự việc của cô Yang đã hé lộ một vấn đề phức tạp hơn nữa, liên quan đến nạn "thừa nam, thiếu nữ" do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ trước đây gây ra.
"Có đến hàng chục triệu đàn ông độc thân do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, và đó là vấn đề không thể giải quyết nổi," - trích lời Yi Fuxian, chuyên gia nhân khẩu học từ ĐH Wisconsin-Madison.
Chính sách một con tại Trung Quốc là một đạo luật được áp dụng vào giai đoạn 1979 - 2016, với yêu cầu các gia đình chỉ được phép sinh 1 con, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc ép phải nạo phá thai. Nó đã để lại một hậu quả nặng nề cho hàng triệu gia đình, đặc biệt là trước áp lực nạo phá nếu cái thai là con gái.
Kể từ năm 1980, số lượng nam giới được sinh ra nhiều hơn nữ giới là đến 30 triệu người. Và theo số liệu từ 7 cuộc khảo sát dân số vào năm 2021, hiện tại Trung Quốc đang dư 17,52 triệu đàn ông so với phụ nữ, ở độ tuổi từ 20 - 40.
Quan niệm trọng con trai ở Trung Quốc, cùng với chính sách một con đã khiến một thế hệ phải trả giá
"Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ giới tính khi sinh nở tại Trung Quốc rơi là 106 nam: 100 nữ," - Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học tại ĐH Giao thông Tây An. Ngoài ra, ông tin rằng 7 triệu trong con số 17,52 triệu dư thừa kia có thể là hệ quả của việc phá thai lựa chọn giới tính.
Việc trọng con trai vốn là một quan niệm đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc, với niềm tin rằng con trai sẽ giúp nối dõi tông đường và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn so với con gái. Đặc biệt, khao khát có con trai còn mạnh mẽ hơn ở các vùng quê, nơi vẫn còn nặng nề nhiều tập tục cổ xưa. Nó dẫn đến chuyện thiếu phụ nữ trầm trọng ở các khu vực này, theo Jin Yongai, phó giáo sư ĐH Nhân dân Trung Quốc.
"Hiện tượng chênh lệch giới tính khi sinh nở bắt đầu tăng mạnh vào cuối thập niên 1980. Và 20 năm sau, ảnh hưởng của nó lan đến thị trường hôn nhân."
Đó là nhận xét của Lu Ting, nhà kinh tế học tại Trung Quốc.
"Theo số liệu thống kê chính thức, chênh lệch giới tính ở độ tuổi 20-30 sẽ rơi vào khoảng 122:100 vào 10 năm tới," - ông nhận xét.
Một trong những yếu tố khiến tình trạng mất cân bằng giới tính tại nông thôn ngày càng nặng nề hơn là làn sóng phụ nữ rời đi.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khiến cho nhiều đàn ông trở nên khó lấy vợ
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách hạn chế di cư vào thập niên 1980, một lượng lớn phụ nữ đã chọn chuyển lên các thành phố lớn hoặc những chốn đô thị phồn hoa để học tập, làm việc hoặc kết hôn. Xét về mặt truyền thống, phụ nữ Trung Quốc có xu hướng kết hôn với người hơn mình về tài chính và địa vị. Nghĩa là họ sẽ phải chuyển đến thành phố, nơi đàn ông thường lấy phụ nữ "thấp" hơn mình.
Hệ quả là rất nhiều nam giới ở tầng lớp thấp tại các khu vực nông thôn nghèo ngày càng khó lấy vợ.
Khái niệm "những phụ nữ bị bỏ lại" vốn dùng để chỉ phụ nữ trẻ có học thức cao nhưng chưa kết hôn hiện rất phổ biến ở thành phố. Trong khi đó, cụm từ "bà vợ ngớ ngẩn" hoặc "vợ điên" thì phổ biến ở nông thôn, khi đàn ông sẵn sàng cưới những phụ nữ khiếm khuyết về trí tuệ hoặc mắc bệnh tâm thần về làm vợ.
Người phụ nữ đang chọn hồ sơ tại một sự kiện mai mối ở Sơn Đông
Hơn nữa cũng theo Jiang, việc đàn ông ở nông thôn thường có địa vị kinh tế - xã hội thấp cũng khiến họ có ít lựa chọn khi kết hôn hơn. Theo một khảo sát năm 2020 tại 5 ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông, có nhiều lý do để đàn ông và phụ nữ ở những khu vực này độc thân. Đa số đàn ông đổ lỗi cho tình trạng "mất cân bằng giới tính" và "nghèo", trong khi đa số phụ nữ cho rằng đơn giản là vì tiêu chuẩn chọn chồng của họ đã cao hơn mà thôi.
Lượng đàn ông dư thừa sẽ gây ra nhiều vấn đề trong xã hội. Đàn ông khi không thể tìm được vợ sẽ phải chịu đựng nhiều vấn đề về cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như khó hòa hợp tốt với xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cảnh báo việc mất cân bằng giới tính sẽ khiến thị trường buôn bán phụ nữ nở rộ.
Trở lại câu chuyện của Yang. Trước sức ép từ mạng xã hội, chính quyền huyện Phụng Hiền đã ban hành 4 văn bản. 3 trong số đó bác bỏ chuyện buôn người. Văn bản thứ 4 thì thừa nhận là có khả năng đó xảy ra.
Ngày 7/2, nhà chức trách Tô Châu cho biết Yang quê ở tỉnh Vân Nam, đến Giang Tô cùng một người phụ nữ cùng làng họ Sang vào năm 1996 nhưng bị lạc tại nhà ga. Lời giải thích ấy khiến cho cộng đồng mạng phẫn nộ. Để rồi đến ngày 10/2, nhà chức trách cho biết họ đã bắt giữ Sang và chồng của ả với cáo buộc buôn người. Chồng của Yang cũng bị bắt vì tội giam giữ người trái phép.
Việc trả tiền để mua vợ đã từng rất phổ biến tại nông thôn Trung Quốc và ở Giang Tô, nơi có sự chênh lệch giới tính rất lớn. Hiện tượng này xảy ra mạnh mẽ nhất vào giai đoạn thập niên 1980 - 1990.
"Năm 1998 tại huyện Phụng Hiền, làng nào cũng có ít nhất hàng chục cô vợ được mua về từ các tỉnh phía Nam," - Luo Zhenzhong, cựu công tố viên từng xử lý các vụ buôn người vào thập niên 1980 cho biết. "Ý thức về luật pháp ở những ngôi làng này là rất thấp. Đa số đều nghĩ chuyện mua vợ là rất bình thường."
Đáng chú ý, những người phụ nữ tìm cách bỏ trốn thường sẽ bị tra tấn rất dã man khi bắt được. "Họ sẽ bị đánh đập tàn tệ. Tôi thực sự không muốn nhớ về ký ức đó."
Việc thừa nam, thiếu nữ đã khiến tình trạng buôn bán phụ nữ trở nên trầm trọng hơn
Từ năm 1997, việc mua cô dâu bị xem là phạm pháp tại Trung Quốc, với mức án có thể lên tới 3 năm tù giam. Nhưng các chuyên gia luật cho rằng mức án này là quá nhẹ, bởi việc buôn bán động vật quý hiếm còn bị phạt tới 5 năm.
"Quy định hiện nay cho thấy hình phạt cho việc buôn người còn ít hơn so với buôn bán động vật. Thật chẳng khác nào nói 'người còn thua khỉ, thua chim, thua động vật', và nó khiến người ta nghi ngờ về sự công bằng của luật pháp."
Nguồn: SCMP