Toạ lạc tại hai xã Phụng Công và Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, hàng trăm căn biệt thự liền kề tại dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (tên gọi khác là Sago Palm Garden) đang được chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (viết tắt là Công ty Đại Hưng) gấp rút triển khai xây dựng và hoàn thiện để chuẩn bị bàn giao cho khách hàng.
Hồ sơ pháp lý chưa xong đã bán hết?
Trên thị trường bất động sản, một dự án có vị trí đẹp, thuận lợi hạ tầng, đồng bộ tiện ích hấp dẫn và nhanh chóng được giới đầu tư săn đón là chuyện bình thường. Tuy nhiên, riêng dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế rơi vào trường hợp "xưa nay hiếm có": Chưa có quyết định chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh, chưa hoàn thiện về mặt pháp lý, dự án đã nhanh chóng được chủ đầu tư hoàn thiện và khách hàng đã xuống tiền.
Theo tìm hiểu, ngày 23/4/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 882/QĐ-UB với nội dung đồng ý cấp giấy chứng nhận cho Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Văn Giang thuê để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói với thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày 23/4/2002.
Đến năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục ban hành Quyết định số 22 thay thế Quyết định trên do Phó chủ tịch thường trực Đặng Minh Ngọc ký nêu rõ: Chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel cho Công ty Đại Hưng địa chỉ trụ sở tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên do bà Nguyễn Thị Chiến là Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện pháp luật.
Tổng vốn đầu tư dự án là 30,2 tỷ đồng, quy mô dự án là 15 triệu viên một năm, diện tích là khu đất 50.743 m2.
Công ty Đại Hưng được ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu, ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai. Nhà đầu tư phải triển khai dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ đăng ký.
Tuy nhiên, 4 tháng sau, Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói trên sang mục đích thực hiện dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden).
Ngay sau đó, ngày 30/11/2016, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư của Công ty Đại Hưng. Cũng trong thời điểm này, bà Chiến không còn người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay cho vị trí của bà Chiến là ông Nguyễn Công Huy, một thiếu gia của một nhân vật có tiếng về xin đất ở nhiều địa phương.
Đến năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về điều chỉnh dự án. Đáng lưu ý, trong quyết định lần này, diện tích dự án đã được mở rộng thêm 10.000 m2 để xây dựng ki ốt bán hàng, giới thiệu sản phẩm và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.
"Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành thông báo này, Công ty Đại Hưng có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ dự án đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư 2014 và các quy định khác có liên quan, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quá thời hạn, thông báo không còn giá trị", văn bản do Chánh văn phòng Nguyễn Ngọc Thuyên ký nêu rõ.
Thế nhưng, bằng một phép màu kỳ diệu nào đó, dù dự án Vườn Vạn Tuế của Công ty Đại Hưng chưa có quyết định chủ trương đầu tư nhưng dự án đã đi vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng để ban giao cho khách hàng.
Lo thành tiền lệ xấu, phá vỡ quy hoạch chung
Khảo sát cho thấy, trên thị trường, thông tin rao bán giới thiệu các căn biệt thự này cũng diễn ra rầm rộ suốt thời gian qua. Theo giới thiệu của các nhà đầu tư thứ cấp, dự án Vườn Vạn Tuế có vị trí kết nối giao thông với đường đê Bát Tràng và kết nối sử dụng chung hạ tầng giao thông và các công trình công cộng với Khu đô thị Ecopark như: trường học, khu vui chơi giải trí công viên, bến thuyền, các khu trường đại học Anh và đại học Tokyo... Giá trung bình mỗi căn biệt thự liền kề khoảng 4-5 tỷ đồng.
Một nhân viên môi giới ở đây cho biết, chỉ sau Tết sẽ bàn giao căn hộ cho khách để hoàn thiện về nội, ngoại thất. Trong khi đó, khách hàng rỉ tai nhau rằng, toàn bộ các căn biệt thự đã được bán hết, nếu muốn mua phải lấy lại từ nhà đầu tư thứ cấp.
Trước bức xúc của người dân và khách hàng, ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 2136/UBND-TH gửi nhiều sở và UBND huyện Văn Giang yêu cầu Công ty Đại Hưng dừng ngay các hoạt động đầu tư xây dựng công trình, các giao dịch mua bán, kinh doanh bất động sản của dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố Vạn Tuế - Sago Palm Garden khi chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Công ty Đại Hưng phải phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực dự án và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng giao các sở ban ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn cho nhà đầu tư dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng đất đai theo đúng luật, báo cáo nếu công ty tiếp tục vi phạm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Dù dự án đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện pháp lý hay không thì việc hàng trăm căn biệt thự mọc lên mà chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn dư luận đã đặt ra dấu hỏi về năng lực quản lý hay có yếu tố lợi ích khác?
"Chính quyền Hưng Yên nên sớm vào cuộc làm rõ, nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt thì dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế sẽ trở thành tiền lệ xấu, nhiều công trình xây dựng khác mọc lên trái phép rồi mới hợp thức hoá, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch chung của Tỉnh", một chuyên gia bất động sản nói.