Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga trong tháng 4/2024 đạt hơn 232 triệu USD, tăng 31,8% so với tháng trước đó, và tăng 71,2% so với tháng 4/2023.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường xứ sở bạch dương đạt trên 761,8 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu trên cho thấy sự tăng trưởng tích cực trong giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong 4 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may, cao su.... Đáng chú ý, gạo đang là một trong những mặt hàng được Nga tích cực nhập khẩu nhất trong những tháng qua.
Cụ thể, trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 1.057 tấn gạo, tương đương 755,8 nghìn USD, tăng 127,3% về lượng và tăng 165,7% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Giá xuất khẩu trong tháng 4 đạt 715 USD/tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm, Việt Nam thu về 2,67 triệu USD với 3.581 tấn gạo xuất khẩu sang Nga, tăng mạnh 229,7% về lượng và tăng 285,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 19 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 0,11% về lượng và 0,13% về giá trị.
Giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đạt 745,5 USD/tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2023.
Với thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng hàng hóa nhập khẩu, Nga được đánh giá là mảnh đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo. Trong cơ cấu mặt hàng, các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà bổ sung cho nhau.
Đặc biệt, với những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), mặt hàng nông sản như gạo, cà phê có nhiều cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Ngay từ đầu năm, chính phủ Nga đã gây chú ý khi quyết định ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đến ngày 30/6/2024. Điện Kremlin cho biết, quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định thị trường nội địa.
Quyết định của Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu loại nông sản này để bình ổn giá trong nước.
Theo giới quan sát, lệnh cấm xuất khẩu gạo của chính phủ Nga nhằm bảo vệ thị trường nội địa sau khi tổ hợp thủy điện Fedorovsky ở vùng Krasnodar gặp sự cố vào tháng 4/2022. Chính sự cố này đã khiến sản lượng gạo của Nga năm 2022 giảm xuống còn 797,6 nghìn tấn so với mức 1,076 triệu tấn được ghi nhận của năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận sản lượng gạo dưới 1 triệu tấn trong những năm gần đây.
Trong khi đó, hiện tượng El Nino cùng với xung đột Ukraine khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng, giá lương thực tăng mạnh, buộc các quốc gia phải đưa ra giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ 2023-2024 sản lượng gạo toàn cầu đạt gần 518 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 525 triệu tấn và lượng gạo sẽ thiếu hụt trong năm 2024 sẽ là 7 triệu tấn. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo , trong đó có Việt Nam.