Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hoạt động giảm hơn 9% so với cùng kỳ xuống 281 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ (margin) vẫn khởi sắc trong khi tự doanh lại kém hiệu quả.
Nguồn: VCBS
Trong quý 1, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm đến 74% xuống 33,4 tỷ đồng trong khi lỗ từ FVTPL lại tăng gấp 3,7 lần cùng kỳ lên 20,3 tỷ đồng. Thời điểm 31/3, các khoản FVTPL của VCBS có giá trị hợp lý hơn 3.800 tỷ đồng, giảm gần 570 tỷ so với đầu kỳ. Một nửa trong số này là hợp đồng tiền gửi, còn lại là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ.
Trong khi đó, tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ vẫn duy trì ở mức 108,2 tỷ đồng. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là các hợp động tiền gửi có giá trị 100 tỷ đồng vào cuối quý 1.
Ngược lại, lãi từ hoạt động cho vay và phải thu của VCBS trong quý 1 lại tăng mạnh 150% lên mức 101,3 tỷ đồng. Thơi điểm 31/3, giá trị hợp lý của các khoản cho vay và phải thu lên đến 4.960 tỷ đồng trong đó dư nợ margin đã tăng gần 880 tỷ đồng lên mức 4.184 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Mảng môi giới đóng góp lớn nhất vào doanh thu của VCBS trong quý đầu năm với 133,2 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này trong quý 1/2022 cũng lớn nhất với hơn 51 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng vọt 124% lên 70,4 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay. Chi phí quản lý công ty chứng khoán cũng tăng 23% so với cùng kỳ lên mức 28,6 tỷ đồng. Kết quả, VCBS lãi trước và sau thuế lần lượt 96,2 tỷ đồng và 76,9 tỷ đồng, đều giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.