Theo thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này cao hơn rất nhiều so với thị trường đứng thứ 3 là Hong Kong (Trung Quốc) chỉ có 3,6 triệu USD và tăng nhẹ 0,5%. Trong năm 2023, Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 với kim ngạch 20 triệu USD và thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc) với 16 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), giải thích thời gian qua Thái Lan tăng nhập sầu riêng Việt Nam vì đó là giai đoạn cả thế giới chỉ một mình Việt Nam có sầu riêng.
Thái Lan dù là nhà xuất khẩu lớn nhất nhưng do hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất nên đành phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách.
"Đây là vấn đề thương mại và cung-cầu bình thường của thị trường và cũng là lợi thế của sầu riêng Việt Nam", ông Nguyên nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vinafruit, trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sầu riêng tươi lớn nhất thì Thái Lan là nhập khẩu sầu riêng đông lạnh số 1 của Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch Vinafruit, giá sầu riêng đông lạnh của Việt Nam rất cạnh tranh nên được thị trường Thái Lan ưa chuộng. Một phần họ nhập về phục vụ cho các hoạt động chế biến nhưng phần lớn được xuất sang nước thứ ba, đích đến chủ yếu vẫn là Trung Quốc.
Theo Khaosod English (Thái Lan), trong 12 năm qua, sản lượng sầu riêng Thái Lan đã tăng 180% từ 500.000 tấn lên 1,4 triệu tấn, do diện tích canh tác trên cả nước tăng 80%. Tuy nhiên, dự đoán hạn hán sẽ làm giảm sản lượng sầu riêng 50% trong năm năm tới nếu chính phủ không giải quyết vấn đề hạn hán ngay lập tức.
Theo đó, ước tính sản lượng sầu riêng của Thái Lan sẽ giảm 53% hoặc 640.000 tấn trong năm năm tới. Năm nay, hạn hán dự kiến sẽ làm giảm sản lượng sầu riêng 42% hoặc 540.000 tấn.
Ngược lại, sản lượng sầu riêng ở Việt Nam đã tăng 200% trong 10 năm qua. Năm 2023, Việt Nam sản xuất được 800.000 tấn sầu riêng, tăng so với mức 270.000 tấn năm 2014, trên diện tích canh tác gần 700.000 rai (1 rai = 1.600 m2).
Trong cả năm 2024, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của Thái Lan dự kiến là 800.000 tấn, giảm gần 200.000 tấn. Ngoài ra, chi phí sản xuất sầu riêng ở Thái Lan cao gấp đôi so với Việt Nam. Năm 2023, chi phí sản xuất của Việt Nam là 15 baht/kg, tăng lên 19 baht/kg vào năm 2024. (1 baht ~ 700 đồng).
Theo hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 6,7 tỷ USD sầu riêng vào năm 2023. Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng tươi hàng đầu sang Trung Quốc, đã chứng kiến nhu cầu đối với sản phẩm của quốc gia tăng trưởng liên tục.
Các nhà kinh tế tin rằng nhu cầu sầu riêng tăng đột biến mang đến cơ hội cho các quốc gia có thế mạnh sầu riêng tại Đông Nam Á, không chỉ riêng Thái Lan.