- 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD.
- Thái Lan nhập rau quả Việt Nam đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024.
- Sầu riêng Thái Lan gặp khó vì hạn hán, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, chi phí tăng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD và Mỹ là hơn 157 triệu USD, lần lượt tăng 55% và 33%.
Đặc biệt, Thái Lan - một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - cũng tăng cường mua hàng Việt, đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết với Tuổi Trẻ: Thái Lan không chỉ là quốc gia nông sản hàng đầu thế giới mà còn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả . Hiện Thái Lan chi tiền lớn để mua nông sản Việt Nam.
"Đứng đầu danh sách là sầu riêng đông lạnh, chứ không phải sầu riêng tươi vì quốc gia này kiểm soát kiểm dịch thực vật rất kỹ, sợ mầm bệnh nếu mua sầu riêng nguyên trái. Tiếp đến Thái Lan mua thanh long, nhãn, vải Việt Nam. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan hiện cao hơn tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào tất cả các quốc gia còn lại trong ASEAN", ông Nguyên thông tin.
Lý giải vì sao Thái Lan là nhà xuất khẩu lớn nhưng lại chi tiền mua sầu riêng Việt Nam, ông Nguyên nói sầu riêng là sản phẩm "có lúc cả thế giới chỉ Việt Nam có".
Theo ông Nguyên, Thái Lan có thời vụ sầu riêng rất ngắn, chỉ 4 tháng. Sầu riêng Việt Nam thì quanh năm. Và do hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất nên đành phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách.
Thậm chí tăng mua sầu riêng Việt cũng có thể để chế biến rồi xuất sang nước thứ 3, có thể đích đến là Trung Quốc.
Trong khi đó, tại Thái Lan, mùa sầu riêng miền Đông khép lại với tổng lượng xuất khẩu tích lũy từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 năm nay là 595.681,88 tấn và trị giá 79,3 triệu baht (khoảng 2 triệu USD). Giá cả vẫn duy trì ở mức cao trong suốt mùa khi có hơn 1.500 thương nhân cạnh tranh để mua. Ngay cả khi kết thúc mùa, giá vẫn ở mức từ 170-190 baht/kg (khoảng 133.000 đồng/kg).
Tuy nhiên, tờ Khaosod của Thái Lan cho biết mùa sầu riêng miền Nam nước này vào nửa cuối năm, giá đã giảm mạnh, trung bình 140-150 baht/kg (hơn 100.000 đồng/kg). Hạn hán, sự chồng chéo mùa với mùa sầu riêng Việt Nam và mùa hè ở Trung Quốc đã đặt ra thêm những thách thức về giá cả.
Ông Wutthichai Khunjate, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, giải thích rằng thị trường sầu riêng Thái Lan tiếp tục tăng trưởng, với những thách thức mới phát sinh từ nhiều yếu tố như hạn hán, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, chi phí tăng và gây ra nhiều mức độ thiệt hại khác nhau cho nông dân — 30%, 50% và 100%. Ngoài ra, chất lượng quả sầu riêng đã giảm và có nhiều quả có kích thước nhỏ hơn.
Bà Athinan Intarapim, Cố vấn Nông nghiệp tại Cục Nông nghiệp Bắc Kinh, cho hay sầu riêng Thái Lan vẫn là "ngôi sao đang lên" với tiềm năng nhập khẩu liên tục bất chấp sự cạnh tranh từ Việt Nam, Philippines và gần đây là Malaysia. Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 928.645 tấn sầu riêng Thái Lan trị giá 4,5 tỷ baht, 492.111 tấn từ Việt Nam trị giá 2,1 tỷ baht và 3.770 tấn từ Philippines trị giá 13 triệu baht (1 baht ~ 700 đồng).