Khảo sát thực hiện trên 909 công ty khắp toàn cầu, trong đó có 507 công ty từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc các lĩnh vực chế tạo, tài chính, bán lẻ và các ngành công nghiệp lớn khác. Khảo sát cho thấy những công việc được tự động hóa nhờ trí tuệ nhân tạo và robot đang chiếm 13% tổng lượng công việc của các công ty, so với con số 7% cách đây 3 năm, theo Nikkei Asian Review.
85% công ty thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ đã có kế hoạch mở rộng khả năng tự động hóa trong 3 năm tới. Theo đó, 48% chủ doanh nghiệp nói họ sẽ dùng ít nhân công hơn trong thời gian đó. Có 20% chủ doanh nghiệp nói, ngay bây giờ, họ đã sẵn sàng vận hành doanh nghiệp với ít nhân công hơn.
Thay vì loại bỏ hẳn con người ra khỏi guồng máy, tự động hóa sẽ dẫn đến sự thay đổi trong các hợp đồng làm việc, theo các công ty. 52% công ty cho biết họ sẽ tháo gỡ công việc ra từng phần nhỏ và quyết định phần nào sẽ tự động hóa. 58% công ty nói họ sẽ không sử dụng nhân viên cơ hữu, mà sẽ thuê nhân công theo hợp đồng công việc hoặc cộng tác viên.
“Các công ty không nghĩ tự động hóa sẽ thay thế con người, mà sẽ giúp con người gia tăng năng suất”, Hamish Deery, lãnh đạo Willis Towers Watson ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết. Deery nhận xét niềm tin của đa số rằng máy móc sẽ lấy đi việc của con người là không đúng. Thực tế, công nghệ đã góp phần lớn vào tiến trình “dân chủ hóa” lực lượng lao động. Với Internet tốc độ cao, ngồi một chỗ, một người châu Á có thể làm việc cho bất kỳ công ty nào trên thế giới.
Nhưng các công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhân lực của họ trong môi trường làm việc mới? Theo khảo sát, chỉ dưới 5% công ty nói bộ phận nhân sự của họ đã hoàn toàn sẵn sàng cho sự chuyển đổi. 51% công ty nói họ đang lên kế hoạch đào tạo lại và nâng cao các kỹ năng cho người lao động. Như vậy, người lao động sẽ kiếm ít tiền hơn, trừ phi họ có những kỹ năng đặc biệt.
Tự động hóa có thể làm thay đổi gốc rễ cấu trúc kinh tế của những nước mới nổi và có thu nhập trung bình ở châu Á, những nước thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên giá nhân công rẻ. Những nước này sẽ mất ưu thế cạnh tranh khi tự động hóa bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm chi phí sản xuất của các công ty.
Ông Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, đã cảnh báo rằng các công việc đang biến mất không phải bởi sự toàn cầu hóa, mà bởi công nghệ và “sự lan rộng của công nghệ tự động hóa sẽ gây bất bình đẳng trên thế giới, tôi không nghĩ chúng ta đã chuẩn bị tốt cho sự thay đổi đang diễn ra”.
Ông Hamish Deery nhấn mạnh giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nước nhằm đảm bảo tự động hóa mang lại những tác động tích cực lên tổng thể xã hội: “Các chính phủ và các định chế giáo dục phải hợp tác chặt chẽ với các ngành công nghiệp trong việc chuyển đổi các kỹ năng làm việc của người lao động để họ có sự chuẩn bị tốt cho kỷ nguyên mới”.