"Bác sĩ" Google là kẻ nói dối!
Mọi chuyện bắt đầu ở lớp yoga. Một người phụ nữ cảm thấy như có thứ gì đó đè nặng ở cổ, cô chưa bao giờ bị như vậy. Bạn cô nói cô cần phải được cấp cứu ngay.
Hóa ra, cô ấy bị đau tim.
Nếu chỉ qua biểu hiện bề ngoài, trông không có vẻ gì giống một người sẽ bị bệnh tim. Cô ấy tập thể dục, không hút thuốc, và đảm bảo giờ giấc sinh học của mình. Nhưng nếu xem xét tiền sử bệnh án của cô ấy, thật ra cô ấy có mức cholesterol rất cao, và đã được kê statin làm giảm cholesterol.
Thế nhưng cô ấy đã không uống thuốc vì những điều đáng sợ về statin mà cô đọc được trên mạng. Cô đã trở thành nạn nhân của một chứng bệnh nghiêm trọng hơn – thông tin y học giả mạo.
Trong khi thông tin giả đã gây ra những bê bối lớn trong chính trị, thông tin sai lệch y tế thậm chí còn tai hại hơn. Cũng như những tin giả khác, những tin giả về y học có xu hướng lan truyền trên Internet nhanh hơn cả tin thật – và chúng đã thật sự để lại hậu quả chết người.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng statin là không đáng kể so với lợi ích của chúng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Nhưng statin đã bị công kích trên mạng bởi người có trí tưởng tượng phong phú, người bán các loại thuốc thay thế, hay đơn giản chỉ là những người nghiện Internet.
Vô số trang web và bài đăng trên mạng xã hội đã phóng đại những rủi ro và đưa ra thông tin rất vô căn cứ: từ việc khẳng định rằng statin gây ung thư cho đến việc cholesterol thấp có hại cho sức khỏe. Nếu như cân nhắc rủi ro so với lợi ích của statin, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, bỏ qua các loại thuốc có chức năng giảm cholesterol có thể làm tăng nguy cơ đau tim.
Trong y học, nocebo (tiếng Latinh có nghĩa "Tôi sẽ gây hại") là một chất vô hại lại vô tình tạo ra tác động có hại cho một bệnh nhân dùng nó. Hiệu ứng nocebo hoàn toàn mang tính tâm lý, chứ không phải được gây ra bởi một hợp chất hoạt tính sinh học. Những phản ứng này là kết quả của sự lo lắng của người bệnh về ảnh hưởng của thuốc.
Thông tin y tế sai lệch cũng có thể dẫn đến việc bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng vì "hiệu ứng nocebo".
Bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ chỉ vì họ quá lo ngại rằng tác dụng phụ đó sẽ xảy ra. Điều này rất đúng với statin. Trong các thử nghiệm mù, bệnh nhân dùng statin không nói rằng họ bị đau cơ. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, theo một nghiên cứu, gần một phần năm bệnh nhân dùng statin nói rằng họ gặp tác dụng phụ, khiến nhiều người phải ngừng thuốc.
Thử nghiệm mù là một thử nghiệm trong đó thông tin về thử nghiệm được bí mật với người tham gia, để giảm bớt hoặc loại bỏ sự cảm tính.
Vắc-xin và bệnh ung thư: những fake news gây chết người
Còn những thông tin y học nào bị ngụy tạo nữa? Như thường thấy là vắc-xin. Một câu chuyện hư cấu về virus nói rằng, thi thể của một nhà dịch tễ học về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã được phát hiện bên bờ sông, sau khi anh ta bày tỏ mối lo ngại về vắc-xin cúm. Tuần trước, Mark Green, một bác sĩ ở Tennessee, vừa được bầu vào Quốc hội, vẫn còn cho rằng vắc-xin có thể gây ra bệnh tự kỷ (sau đó ông phản pháo rằng những bình luận của ông đã bị hiểu sai).
Cũng có những thông tin lá cải nói rằng vắc-xin cho papillomavirus ở người gây ra động kinh và các tác dụng phụ khác. Hộ lý tiêm vắc-xin bại liệt ở Pakistan thường xuyên bị tấn công vì người dân nghĩ rằng vắc-xin này nhằm diệt chủng dân địa phương.
Bênh ung thư cũng là một con mồi khác của các bác sĩ online. Nhiều người trong số họ đang cố gắng kiếm tiền từ các liệu pháp thay thế. Mặc dù hầu hết mọi người đều biết rằng khối u ung thư là xấu, thì vẫn có những người ngây thơ tin rằng đó là cách cơ thể bạn đang chống chọi với các tế bào gây hại?
Một số người còn nói rằng phẫu thuật có nguy cơ làm lây lan các tế bào có hại. Họ còn cảnh báo rằng các loại thuốc kê theo toa làm cho cơ thể bị nhiễm axit, làm các tế bào đột biến bị mất kiểm soát.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy khi bệnh nhân ung thư chuyển sang các liệu pháp thay thế như chế độ ăn kiêng, sử dụng thảo dược hay các chất bổ sung thay cho các liệu pháp thông thường, họ có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần.
Các bác sĩ và y tá thường cố gắng ngăn bệnh nhân của mình tự mò thông tin trên mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ tiếp tục Google các triệu chứng và thuốc của họ. Vì Internet thì không cần đặt lịch hẹn, không tốn thời gian, không phải thăm khám, chi phí chẳng đáng bao nhiêu và thông tin thì dễ hiểu.
Thung lũng Silicon cần có biện pháp quản lý chặt chẽ vấn đề này. Khi sức khỏe con người bị đe dọa, có lẽ các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và các trang web phải chịu trách nhiệm cho việc tuyên truyền hoặc lưu trữ những thông tin sai lệch.
Cộng đồng khoa học cần phổ cập cho công chúng về các khái niệm chính của nghiên cứu, chẳng hạn như sự khác biệt giữa các nghiên cứu quan sát và các thử nghiệm ngẫu nhiên chất lượng cao hơn. Tính minh bạch là tối quan trọng để duy trì niềm tin của cộng đồng. Những câu chuyện như các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia đã thu hút và nhận được tài trợ từ một nhà sản xuất rượu lớn cho một nghiên cứu về lợi ích của việc uống rượu ở lượng vừa phải.
Cuối cùng, các nhà báo cần truyền bá thông tin chính xác. Các trang web tin tức có thể đăng tin về nghiên cứu quan sát vì chúng hấp dẫn hơn so với các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát. Có lẽ bởi vì các nghiên cứu có kiểm soát ít có khả năng tạo ra kết quả bất ngờ.
Để chiến thắng trong cuộc chiến thông tin ngày nay, các bác sĩ và nhà nghiên cứu cần kể chuyện về khoa học thay vì trình bày một cách khô khan như trước. Đây là cách duy nhất giúp quần chúng đến gần với y học hơn, để họ không bị các con buôn thuốc lợi dụng bằng những thông tin sai lệch.