Đến Mộc Châu bây giờ, người ta thấy không khác gì mấy chục năm về trước với đồng cỏ rộng mênh mông và những chú bò nhởn nhơ gặm cỏ. Trên độ cao 1.050 mét so với mực nước biển, thị trấn Mộc Châu có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi cho việc chăn nuôi bò lấy sữa nên từ xưa hơn nửa thế kỷ nay, người dân vẫn lấy nghề chăn nuôi bò sữa làm nghề chủ đạo của mình.
Những người tìm hiểu kỹ hơn một chút thì sẽ thấy, thực ra, “làng bò sữa” Mộc Châu đã thay đổi rất nhiều và những thay đổi này được gói gọn trong 2 giấc mơ lớn: “Giấc mơ biến Mộc Châu thành đại nông trường” và “Giấc mơ 100.000 con bò sữa”.
Từ giấc mơ biến Mộc Châu thành đại nông trường…
Từ năm 1959, khi lên thăm trại bò Mộc Châu, Bác Hồ đã nhận ra tiềm năng lớn cho nghề nuôi bò sữa ở đây. Khi ấy, một con bò Mộc Châu chỉ cho lượng sữa trung bình 4 lít/ngày, con cao nhất mới cho 7 lít/ ngày. Hơn 50 năm sau, con bò Mộc Châu có năng suất cao nhất (bò đạt danh hiệu Hoa hậu) có khả năng cho tới 75,6 lít sữa trong 1 ngày sau hàng loạt nỗ lực cải tạo chất lượng đàn bò.
Trưởng thành từ kỹ sư chăn nuôi, trưởng phòng chăn nuôi và bắt đầu nhậm chức Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vào tháng 4/1999, Ông Trần Công Chiến nhận thấy mô hình nuôi bò tập trung không thể mang lại bước phát triển đột phá cho Mộc Châu Milk. Việc nuôi tập trung không chỉ khiến tình trạng “cha chung không ai khóc” mà còn kéo theo rủi ro dịch bệnh cao. Bò nuôi theo mô hình tập trung sẽ không được chăm chút như bò của nhà dẫn đến sản lượng sữa thấp. Sau khi nghiên cứu, ông cùng ban lãnh đạo Công ty quyết tâm triển khai mô hình khoán hộ, đưa toàn bộ đàn bò của Công ty về nuôi trong các hộ dân.
Ông Chiến cho rằng, mô hình khoán hộ sẽ giúp đàn bò của công ty tăng lên nhanh chóng, tạo mối quan hệ hữu cơ giữa công ty, người chăm bò, chính quyền và khách hàng. Ông mơ đến con số 10.000 con bò sữa-một con số viển vông trong mắt của rất nhiều người vào thời điểm đó. Ông cũng tổ chức kết hợp với các huyện, bản quanh Mộc Châu để liên kết trồng cỏ và ngô bán cho hộ dân của Mộc Châu Milk với giá bao tiêu, phân đất cho người dân quản lý, tạo điều kiện để họ vay tiền xây trang trại và mua bò giống, tổ chức đào tạo làm khuyến nông bằng cách hướng dẫn người dân chăn nuôi, vắt sữa, trồng nguyên liệu, chế biến thức ăn và có một đội ngũ bác sĩ thú y được đào tạo chuyên môn cao để thụ tinh cho bò, chăm sóc thú y cùng người dân. Đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như lợi nhuận của người nông dân. Bên cạnh những việc đó, Mộc Châu Milk cũng áp dụng các biện pháp kỉ luật rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu hộ nào vi phạm sẽ bị phạt tiền, dừng thu mua sữa, cao nhất là thu hồi đất và đàn bò.
Ngoài mô hình khoán hộ, ông Chiến còn quyết tâm làm một chuyện “chưa ai làm” là Xây dựng chương trình bảo hiểm cho bò: chủ đàn bò đóng 600 nghìn đồng tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng. Bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng, đủ để mua một con bê con thay thế. Tương tự, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của công ty và người dân đóng góp 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá sẽ được trợ giá 60% số tiền…Cho dù có những lúc giá sữa tại Việt Nam xuống thấp và người dân tại các địa phương khác phải đổ đi nhưng Mộc Châu Milk vẫn thu mua theo cam kết. Mộc Châu Milk là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ bảo hiểm giá sữa và bò nuôi để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.
“Có lúc tôi thấy… hơi run vì không biết kiểu khoán hộ mình áp dụng cho công ty đúng hay sai. Nhưng sau đó mạnh dạn làm và rút kinh nghiệm vì nghĩ mình làm thực sự bằng cái tâm”- ông Chiến chia sẻ. Những chính sách, cách thức về mô hình khoán hộ đã mang lại kết quả bất ngờ, có thêm nhiều hộ dân hăng hái đăng kí. Dần dần mô hình này được triển khai rộng rãi và tiếp tục áp dụng đến hiện tại.
Ông đã đi nhiều nơi và tới thăm những trang trại bò của người dân Nhật Bản, Úc ... Ông thấy họ chăm chút những con bò của mình như những thành viên trong gia đình. Bằng cái tâm với người nông dân và mong muốn tri ân đàn bò, ông Chiến đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu suốt 14 năm qua, khiến nó trở thành 1 ngày hội của cả vùng Tây Bắc, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm thú. Cuộc thi đã khuyến khích việc người nông dân gắn bó, thân thuộc hơn với từng con vật nuôi, giúp họ cảm thấy tự hào hơn với những sản phẩm do chính mình làm ra và hơn nữa là nghề nghiệp của mình, đó dần trở thành chỉ dấu rõ nhất cho sự bền vững của nghề nuôi bò sữa ở Mộc Châu.
Với mô hình khoán hộ và bảo hiểm cho bò, 12 năm sau, giấc mơ 10.000 con bò của ông Chiến đã thành hiện thực. Mộc Châu Milk đã có đàn bò gần 10.000 con, với hơn 500 hộ chăn nuôi tính đến khoảng giữa năm 2012. Tới thời điểm hiện tại, Mộc Châu Milk đã có ba trại chăn nuôi tập trung với quy mô 1.000 con bò, tổng cộng khoảng 3.000 con, số lượng bò khoán tại các hộ dân là gần 20.000 con, 1.000 ha đất nông nghiệp tập trung cùng khí hậu thổ nhưỡng mát mẻ, chủ động được nguồn thức ăn sạch góp phần tạo ra được những sản phẩm sữa tươi ngon, tinh khiết nhất, đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Mô hình của Mộc Châu Milk hiện nay tương tự mô hình của Israel, gồm các trại lớn của công ty và trại nhỏ các nông hộ, tạo thành hệ sinh thái nông nghiệp mà doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng và người chăn nuôi bò cùng hưởng thành quả từ sự phát triển này.
Hệ sinh thái chăn nuôi bò sữa hoàn hảo đạt tiêu chuẩn Quốc tế
...Đến giấc mơ 100.000 con bò sữa
“Nhìn bản thân mình thì thấy Mộc Châu Milk đã lớn nhanh như Thánh Gióng sau mô hình khoán hộ nhưng…thực hiện xong giấc mơ 10.000 con bò sữa cũng là lúc Mộc Châu Milk nhìn thấy nhiều doanh nghiệp lớn, vốn lớn đã bước chân vào ngành sữa. Quy mô đàn bò của Mộc Châu Milk dù rất lớn nhưng nếu muốn lớn hơn nữa thì công ty lại cần một lần nữa-như 15 năm trước đây-tạo ra đột phá.”
“Nhưng đột phá bây giờ không phải dễ. Tự Mộc Châu Milk sẽ không làm được. Nếu như trước đây, Mộc Châu Milk đột phá nhờ thay đổi từ bên trong thì bây giờ, Mộc Châu Milk chỉ có thể tạo được đột phá khi mạnh dạn thay đổi để tiếp nhận thêm sức mạnh từ bên ngoài” – ông Chiến chia sẻ.
“Sức mạnh Mộc Châu Milk cần lúc này là Vốn lớn và Năng lực quản trị. Vốn thì dễ hiểu rồi, còn Năng lực quản trị là thứ mà công ty cực kỳ khát khao thì không nhiều người có thể hiểu được”- ông Chiến nói.
“Chăn nuôi bò sữa là ngành nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi cả về công nghệ, kiến thức, tài chính và đất đai. Mộc Châu Milk có kiến thức, có đất đai nhưng muốn đi ra được sân chơi lớn hơn thì còn cần đầu tư nhiều hơn nữa về công nghệ, tài chính… Mộc Châu Milk cũng cần đầu tư mạnh hơn vào hệ thống phân phối nữa để thúc đẩy bán hàng. Đó là chưa kể đến Mộc Châu Milk còn muốn rất nhiều thứ như xây dựng mô hình trang trại du lịch…”
Cơ hội đã đến với Mộc Châu Milk đúng lúc doanh nghiệp sữa có truyền thống hơn nửa thế kỷ này khát khao nhất: GTNfoods muốn tìm các công ty nông nghiệp lâu đời, quy mô lớn để M&A và tiến vào ngành nông nghiệp. GTNfoods sẽ đồng hành cùng Mộc Châu Milk giúp quá trình phát triển này diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
Rất nhiều chuyên gia đầu ngành đã thành công ở nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới được GTNfoods đưa đến cùng đồng hành với Mộc Châu Milk để đưa giấc mơ 100.000 con bò thành hiện thực như Tiến sĩ Michael Rosen là người không những nổi danh về năng lực huy động vốn, ngân hàng đầu tư và quản lý điều hành, mà còn có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm... Hay ông Lars Kjaer là người có 30 năm kinh nghiệm trong các thị trường đang phát triển, M&A và hoạch định chiến lược, cải thiện vận hành, tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp thuộc ngành FMCG, ông từng đảm nhận vị trí giám đốc điều hành công ty Carlsberg Đan Mạch, thành viên hội đồng quản trị công ty Coca-cola, Masan, Hòa Phát…Chuyên gia về mạng lưới phân phối và quản lý là ông Anthony Stamford, người có 25 năm kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và các công ty ở thị trường đang phát triển cũng đã đồng hành giúp Mộc Châu Milk mở rộng mạng lưới phân phối của mình.
Mộc Châu Milk đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất nhằm mở rộng chuỗi phân phối tại thị trường miền Nam và xuất khẩu.
GTNfoods và Mộc Châu Milk đã cùng ngồi lại với nhau để vạch ra chiến lược phát triển trong tương lai, bởi Mộc Châu Milk còn nhiều lợi thế chưa khai thác hết, con đường mà Mộc Châu Milk sẽ đi để đạt đến mục tiêu 100.000 con bò sữa dựa trên những gì công ty đã thành công trong quá khứ kết hợp với những nguồn lực mới. Mộc Châu Milk sẽ giữ phương thức chăn nuôi đang thành công hiện nay là chăn nuôi kết hợp giữa hộ gia đình và các trại nuôi tập trung, đồng thời tạo bước đột phá bằng việc nâng cao quản trị, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng kênh phân phối và mở rộng chăn nuôi.
Thị trường miền Nam sẽ là một thị trường mà công ty sẽ trọng tâm mở rộng thêm bên cạnh việc giữ vững thành trì chắc chắn tại thị trường miền Bắc. Công ty cũng coi thị trường xuất khẩu là một phần quan trọng trong chuỗi phân phối của mình.
Và cuối cùng, Mộc Châu Milk và GTNfoods đang đi những bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng dự án phân bón hữu cơ. Dự án này sẽ giúp công ty xử lý được nguồn chất thải từ các trang trại, đảm bảo môi trường sống trong lành cho đàn bò, lại có hiệu quả về kinh tế thông qua việc cung cấp phân bón cho các vùng nguyên liệu. GTNfoods luôn hướng tới và dần trở thành công ty nông nghiệp sạch lớn mạnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á cung cấp các sản phẩm sữa, trà, rượu vang.
“Cùng sự hỗ trợ của công ty mẹ GTNfoods, chúng tôi tự tin sẽ đạt được tham vọng đàn bò sữa 100.000 con”- vị thuyền trưởng của Mộc Châu Milk Trần Công Chiến tự tin chia sẻ.