Nếu nhìn dưới góc độ về thị trường và người tiêu dùng, Asanzo đang cực kỳ bất lợi và có nguy cơ bị người tiêu dùng tẩy chay. Trong bài viết này, chúng ta tạm gác lại vấn đề dưới góc độ thị trường và người tiêu dùng, cùng bàn luận dưới góc độ kinh tế của sự việc, từ đó có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Dưới góc độ kinh tế, có 2 luồng ý kiến về Asanzo. Một số nói Asanzo chỉ là công ty thương mại, mua hàng Trung Quốc về Việt Nam bán lại, hưởng chênh lệch chứ không làm tăng giá trị gì, thậm chí còn gây thiệt hại cho những công ty sản xuất chân chính trong nước.
Một số khác lại cho rằng đây mới là cách làm ăn trong thời đại toàn cầu hoá, tận dụng gia công giá rẻ tại Trung Quốc, còn công ty hưởng những khâu giá trị cao hơn như thương hiệu và hậu mãi - giống như cách Apple thuê gia công ở Trung Quốc hay Samsung thuê gia công ở Việt Nam.
Công nghiệp điện tử toàn cầu qua biểu đồ “Đường cong nụ cười” của nhà sáng lập Acer
Để đánh giá được 2 nhận định trên, hãy cùng tìm hiểu chuỗi giá trị toàn cầu qua biểu đồ “Đường cong nụ cười” của Stan Shih - nhà sáng lập tập đoàn Acer.
Trong ngành công nghiệp điện tử, toàn bộ khâu sản xuất có thể chia vào 3 giai đoạn lớn:
Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm: Giai đoạn bên trái đường cong nụ cười, bao gồm: nghiên cứu phát triển, thiết kế, chuẩn hóa - cần rất nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này được gọi là ODM (Nhà thiết kế sản phẩm gốc)
Chế tạo sản phẩm: Giai đoạn dưới đáy đường cong gồm: gia công và lắp ráp... cần rất nhiều công sức, nhưng mang lại giá trị thấp. Những doanh nghiệp này được gọi là OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc)
Bán hàng và dịch vụ hậu mãi: Giai đoạn bên phải đường cong, gồm: Marketing, bán hàng, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi... cũng cần rất nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này được gọi là OBM (Nhà sản xuất thương hiệu gốc)
Càng đi xuống đáy của đường cong nụ cười thì phần giá trị gia tăng, hay nôm na có thể hiểu là lợi nhuận mang về càng thấp.
Hãy thử lấy 1 ví dụ: Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy sản xuất smartphone của Samsung, gia công khoảng 1/3 số điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Có thể đơn giản hóa quy trình sản xuất 1 chiếc điện thoại như sau: Samsung là người nghiên cứu và thiết kế những model smartphone mới, phát triển phần mềm, chuẩn hóa chất lượng, dây chuyền sản xuất, chất lượng thành phẩm (ODM). Sau đó, họ sẽ chuyển khâu gia công, lắp ráp sang Việt Nam, các công nhân của ta làm việc ngày đêm, đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn đã chuẩn hóa (OEM). Gia công xong, ta sẽ chuyển lại cho Samsung để họ làm thương hiệu, marketing, phân phối, bán hàng và làm các dịch vụ hậu mãi (OBM).
Vì người Việt Nam rất chăm chỉ, chịu khó, những người công nhân tăng ca làm 12 tiếng mỗi ngày, được trả tầm 23.000 VNĐ một giờ, để làm ra những chiếc điện thoại sau này bán với giá 23.000.000 VNĐ. Những chiếc điện thoại này khi đến tay người dùng, họ sẽ trầm trồ: “Năng lực Samsung, năng lực Hàn Quốc thật đáng nể”, đẩy vốn hóa công ty lên hơn 300 tỷ USD và tạo ra trên dưới một chục tỷ phú USD. Còn những người công nhân Việt chìm vào vòng xoáy làm việc xong là hết ngày, về ký túc xá ngủ và ngày mai lại lặp lại, cuộc đời không đi đến đâu cả.