Hành giả Minh Tuệ, người đang tự tu theo lối khổ hạnh, xưng "con" trong giao tiếp, không nhận là Thầy chùa, ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường...
Ông Minh Tuệ đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và có 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Mọi việc chỉ trở nên ồn ào từ khi hình ảnh của ông được đưa lên các trang mạng xã hội. Vị hành giả đi đến đâu, dân chúng ồ ạt kéo theo đến đó, trong đó, có nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker.
Từ những hình ảnh, video được đăng tải trên mạng xã hội, rõ ràng một số YouTuber, TikToker, Facebooker đã làm quá lên về ông Thích Minh Tuệ, có lẽ với mục đích muốn lôi kéo người dùng mạng nhằm mục đích bán hàng, muốn được chú ý hay do bị chi phối bởi động cơ nào đó. Họ đã kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ.
Kiếm tiền từ mạng xã hội, theo cách livestream, đăng tải video ngắn... đang là trào lưu. Việc sở hữu một kênh mạng xã hội với nhiều lượt theo dõi và lượng tương tác cao không chỉ góp phần giúp chủ tài khoản thuận lợi trong việc kiếm được nhiều tiền mà còn có được sự ngưỡng mộ của cư dân mạng.
Vậy nên cuộc đua "câu" lượt tương tác đang ngày càng trở nên khốc liệt, bất chấp.
Theo thống kê, trung bình người sáng tạo nội dung mất 4,9 tháng để kiếm được đồng tiền đầu tiên, 12,7 tháng để biến việc tạo nội dung thành một công việc kinh doanh toàn thời gian và 18,4 tháng để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Người sáng tạo cũng mất khoảng 18,8 tháng để có thể thuê những nhân viên hỗ trợ đầu tiên.
Điều đáng chú ý, lượng khán giả tương tác quan trọng hơn lượng lớn người theo dõi, nghĩa là không cần phải có hàng trăm nghìn, một triệu hay 10 triệu người theo dõi mới có thể kinh doanh lĩnh vực sáng tạo nội dung.
Ước tính Tiktok sẽ trả cho các nhà sáng tạo trên nền tảng này khoảng 2 – 4 xu ( tương đương 0.02 USD – 0.04 USD) cho 1.000 lượt xem/video. Như vậy với mỗi video đạt 1 triệu view, nhà sáng tạo sẽ nhận được khoảng 20 USD – 40 USD.
Tại Việt Nam, thu nhập của một Tiktoker có mức chênh lệch khá lớn, có Tiktoker chỉ kiếm được khoảng 4 – 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, một số Tiktoker khác có thể kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng và có thể là mỗi tuần. Nhìn chung thu nhập của Tiktoker sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nổi tiếng, lượt tương tác, lượt theo dõi,…trên nền tảng Tiktok.
Đối với các tài khoản YouTube hoạt động tại Việt Nam, những YouTuber sẽ được nhận thù lao từ 0.3 – 0.5 USD cho mỗi 1000 lượt xem (1CPM). Nếu tính trung bình một lượt xem sẽ dao động từ 0.0003 đến 0.0005 USD. Vậy nếu video đạt 1 triệu view thì các nhà sáng tạo nội dung Việt sẽ nhận được khoản thù lao trung bình khoảng 7 triệu đồng.
Trở lại câu chuyện về "hiện tượng mạng" Thích Minh Tuệ, ông đang bất đắc dĩ trở thành "công cụ" của không ít những nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội. Hành trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ sẽ diễn ra lặng lẽ và bình an nếu như thời gian gần đây không có những người lan truyền hình ảnh về ông trên các trang mạng xã hội.
"Hàng loạt Youtuber, TikToker, Facebooker chỉ lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, hay máy ảnh, máy ghi âm để truyền tải mọi hình ảnh về ông Minh Tuệ và người dân vây quanh lên mạng xã hội. Gần đây còn xuất hiện những hình ảnh đoàn người rầm rập đón lõng, kéo đi theo ông Minh Tuệ bất chấp mưa nắng. Hình ảnh của ông được các nhà sáng tạo nội dung đưa tràn ngập trên nền tảng số", chuyên gia marketing Facebook Hoàng Long nói với PV Dân Việt.
"Cũng có những người bày tỏ tôn sùng, muốn đi theo học đạo nhưng có không ít người vì tò mò, nghi ngờ, thậm chí cố gắng tìm cách "bóc phốt". Dĩ nhiên không thể kể đến lực lượng hùng hậu đi theo ông với mục đích lợi dụng hình ảnh của ông để câu like, câu view trên mạng xã hội. Với những kênh muốn phát triển bền vững, cần có kế hoạch xuyên suốt dài hơi và rõ định hướng thay vì chộp giật như thế này".
Trên nền tảng YouTube, có cả trăm tài khoản mang tên Thích Minh Tuệ. Thậm chí hình ảnh của ông đã bị lợi dụng để bình luận xuyên tạc về đời sống tu hành của nhiều tăng ni, phật tử khác… Không bỏ lỡ cơ hội, những thế lực thù địch đã lợi dụng "hiện tượng Thích Minh Tuệ" để chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội.
Theo quy định, hành vi livestream câu like nhằm các mục đích trên là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài với từng hành vi cụ thể. Còn riêng việc livestream để tăng tính truy cập, tương tác thì sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật.
Mặc dù pháp luật không cấm việc cá nhân livestream nhưng việc lựa chọn livestream trong các sự việc nêu trên hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người livestream.