Những ngày đầu năm mới 2020, cả thế giới chấn động trước thông tin cựu CEO Nissan Carlos Ghosn – vốn là nghi phạm đang bị Nhật Bản quản thúc đã trốn khỏi quốc gia này đến Li Băng. Cho đến giờ, có rất nhiều giả thuyết đưa ra về kịch bản cho phi vụ tẩu thoát có 1 không hai của Ghosn nhưng được lan truyền rộng rãi hơn cả là ông này trốn trong một thùng dụng cụ âm nhạc, sau đó đáp máy bay riêng tới Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó bay tới Li Băng.
Nhưng dù Ghosn trốn thoát bằng cách nào thì nhiều người cho rằng việc ông tẩu thoát, trốn tránh điều tra liên quan tới nhiều tội danh như gian lận tài chính, lợi dụng chức vụ quyền hạn của chính phủ Nhật Bản là một điều đáng xấu hổ, nhất là với một người từng được xem như "siêu anh hùng", một "huyền thoại" của ngành ô tô.
"Siêu anh hùng" điều hành 3 công ty ô tô cùng lúc
Carlos Ghosn là một doanh nhân sinh ra ở Brazil, một nửa dòng máu là người Pháp và nửa còn lại là người Li Băng. Ông chỉ biết tiếng Nhật vừa đủ để đọc những bài diễn văn ngắn.
Một trong những giai thoại phổ biển nhất khi nói về Carlos Ghosn, giám đốc điều hành chung của Renault và Nissan, là ông đã trở thành một anh hùng ở Nhật Bản sau khi cứu được Nissan. Một nhà xuất bản manga thậm chí còn làm một bộ truyện tranh 7 phần về ông và nó đã trở thành 1 trong những bộ manga bán chạy nhất tại Xứ sở Mặt trời mọc. Đó là vào năm 2002.
Kể từ thời điểm đó, Ghosn đã đưa Nissan từ một công ty đã hết thời trở thành công ty dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất ô tô, đẩy mạnh sản xuất ô tô điện – Leaf là dòng xe điện bán chạy nhất thế giới – và tuyên bố rằng các phương tiện tự lái sẽ sớm xuất hiện trên thị trường.
Ông cũng tiếp tục mở rộng tầm với của mình, khi vào mùa hè năm 2014, Nissan hoàn thành việc tiếp quản hãng ô tô của Nga AvtoVaz, công ty sản xuất dòng xe Lada bán chạy nhất. Ghosn sau đó trở thành chủ tịch của AvtoVaz.
Ở thời kỳ đỉnh cao là năm 2014, Ghosn đã điều hành 3 công ty ô tô quốc tế, trao đổi bằng 3 ngôn ngữ khác nhau, chịu trách nhiệm về 10% tổng số ô tô được bán ra và doanh thu khoảng 140 tỷ USD.
Nghi phạm gian lận tài chính
Được xem là anh hùng, vị cứu tinh của Nissan. Tuy nhiên tháng 11/2018, khi phía tòa án ra lệnh bắt giữa với Carlos Ghosn, mọi chuyện mới vỡ lở.
Trong suốt quá trình lãnh đạo Nissan, Ghosn đã tự cho mình hưởng rất nhiều đãi ngộ "trên trời". Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, hãng xe Nhật Nissan Motor trả học phí cho cả 4 người con của Carlos Ghosn - cựu chủ tịch bị sa thải của công ty này - tại Đại học Stanford (Mỹ) suốt từ năm 2004 đến 2015.
Đãi ngộ này nằm trong hợp đồng lao động của Ghosn từ năm 1999, khi ông được đưa lên làm giám đốc điều hành của Nissan, nguồn tin trên cho biết. Đây là khoản đãi ngộ hiếm gặp ở các giám đốc cấp cao tại Nhật và được cho là trị giá ít nhất 601.000 USD, theo mức học phí của trường Stanford trong thời gian trên.
Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ. Được biết, Ghosn còn có vô số bất động sản tại 4 châu lục và "đãi ngộ" trị giá 50.000 Euro (57.000 USD) cho đám cưới của mình tại cung điện Versailles vào năm 2016 sau khi Renault quyên góp từ thiện cho cung điện này.
Với những chi phí mập mờ liên quan đến cá nhân kể trên, ngày 19/11/2018, Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật Bản với cáo buộc gian lận tài chính nghiêm trọng trong nhiều năm. Nissan cho biết cuộc điều tra nội bộ phát hiện bằng chứng cho thấy ông Ghosn đã khai thiếu thu nhập và lạm dụng tài sản công ty.
Án phạt tối đa cho hành vi gian lận báo cáo tài chính tại Nhật Bản là 10 năm tù giam và tiền phạt 10 triệu yen (89.000 USD). Nissan cũng phanh phui nhiều hành vi sai trái khác, trong đó có việc sử dụng tài sản công ty cho mục đích cá nhân và lạm dụng ngân sách công ty.
Sau khi bị bắt giữ, Ghosn đã bị tạm giam tại nhà tù Nhật Bản hơn 3 tháng, bị hạn chế tiếp xúc với người ngoài, chỉ được tập thể dục 30 phút hàng ngày và tắm 2 lần mỗi tuần. Sau đó, ông ngày đã nộp khoản tiền trị giá gần 9 triệu USD bảo lãnh để được tại ngoại. Điều kiện là ông phải bị theo dõi 24/24h, hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ và đặc biệt không được ra nước ngoài.
Nhưng ngày đầu năm mới 2020, bằng cách nào đó, Ghosn đã xuất hiện công khai và tự do trước truyền thông toàn thế giới, khẳng định mình vừa "thoát khỏi sự bất công và hà khắc".
Cả nước Nhật ngỡ ngàng, đến cả đội pháp lý của Ghosn cũng không thể tưởng tượng ra nổi. "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi thậm chí chết lặng một lúc khi nghe tin này. Tôi muốn hỏi Ghosn một câu thôi: Sao ông có thể làm vậy với chúng tôi", luật sư Junichira Hironaka của Ghosn nói với truyền thông tại Tokyo.
Còn với những người khác, có một câu hỏi tò mò không kém: Làm sao Ghosn làm được điều đó?
Tội phạm truy nã toàn thế giới
Kênh truyền hình Li Băng là MTV thì cho rằng Ghosn đã rời khỏi căn hộ bị theo dõi nghiêm ngặt tại Tokyo với sự trợ giúp của một nhóm bán quân sự - hóa trang thành các thành viên một ban nhạc.
Họ nói rằng ban nhạc này biểu diễn tại nhà của Ghosn và ngay sau khi kết thúc, vị cựu lãnh đạo 65 tuổi của Nissan đã trốn trong một thùng đựng dụng cụ âm nhạc và sau đó được vội vã chuyển ra sân bay địa phương. Nếu điều đó thực sự xảy ra, Ghosn chắc hẳn đã phải nằm trong tư thế khá chật chội – nhất là với một người có chiều cao 167cm.
Cũng theo kênh truyền hình MTV, sau đó ông này đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Li Băng bằng máy bay riêng. Dù không có bằng chứng cụ thể nhưng kịch bản cho phi vụ tẩu thoát này là phổ biến nhất trên mạng xã hội.
Việc Ghosn tẩu thoát ngay lập tức khiến dư luận Nhật Bản phẫn nộ. Một chính trị gia Nhật Bản đã đặt câu hỏi liệu ông này "có nhận được sự ủng hộ của một vài nước" hay không. Còn cựu Thị trưởng Tokyo thẳng thắn hơn khi công khai cho rằng Li Băng có liên quan trực tiếp đến việc này.
Đương nhiên, chính phủ Li Băng ngay lập tức lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định họ không liên quan tới phi vụ tẩu thoát của Ghosn.
Vấn đề bây giờ là giữa Nhật Bản và Li Băng không có thỏa thuận dẫn độ, vì vậy việc Nhật Bản muốn tiếp tục xét xử Ghosn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên trong một động thái mới nhất, một nguồn tin từ tòa án Li Băng cho biết nước này đã nhận được lệnh bắt giữ Carlos Ghosn do Interpol gửi tới vào ngày 2/1.
Yêu cầu này, một cảnh báo đỏ của Interpol kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ một đối tượng bị truy nã, đã được các lực lượng an ninh nội địa Li Băng nhận được và vẫn chưa chuyển tới tòa án.
Ngoài ra, đơn vị liên đới là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu khởi xướng điều tra những lỗ hổng an ninh dẫn tới vụ việc chấn động. Theo đó, chính phủ nước này đã bắt giữ 7 người, trong đó có 4 phi công, để thấm vấn do nghi dính líu tới việc giúp ông Ghosn di chuyển qua lại giữa các máy bay tư nhân tại sân bay ở Istanbul ngày 30/12/2019.
Riêng chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức liên quan tới vụ việc này. Tương lai Ghosn sẽ ra sao, liệu ông này có bị bắt giữ quay trở lại Nhật Bản và chịu tội hay không, thời gian sẽ sớm đưa ra câu trả lời.