Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh hàng điện lạnh rầm rộ quảng cáo các dòng tủ lạnh có khả năng khử mùi, diệt khuẩn, đạt hiệu quả đến 99%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, điện lạnh, tính năng này phi thực tế, thiếu cơ sở chứng minh.
“Ma trận” công nghệ khử mùi, diệt khuẩn
Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng điện máy Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Điện Máy Xanh... khi chúng tôi hỏi mua tủ lạnh, hầu hết nơi bán đều tư vấn nên mua loại có tính năng khử mùi, diệt khuẩn. Hầu hết các hãng Mitsubishi, Panasonic, Electrolux, Aqua... đều có dòng sản phẩm này. Panasonic có dòng tủ lạnh được quảng cáo “đột phá với Blue Ag+, hệ thống LED ánh sáng xanh cùng phân tử ion bạc giúp loại bỏ đến 99.99% vi khuẩn gây hại trong thực phẩm”, giá bán từ 17 - 20 triệu đồng/sản phẩm. Theo quảng cáo của hãng này, “tủ lạnh có công nghệ diệt khuẩn hiệu quả nhất”; ngay cả ngăn đông mềm, ngăn lấy nước bên ngoài cánh cửa tủ lạnh cũng được “kháng khuẩn, khử mùi” (!?).
“Tủ lạnh Mitsubishi cũng trang bị hệ thống khử mùi bằng bộ lọc Titanium sau các khe gió, có chức năng tạo xúc tác ô-xy hóa phân hủy các tác nhân gây mùi thành cacbon dyoxit và nước. Nhờ tính năng này, vi khuẩn sẽ bị giữ lại và phân hủy bởi các tác nhân kháng khuẩn trên bộ lọc. Nhờ vậy, thực phẩm luôn được bảo quản tươi ngon và sạch sẽ”, nhân viên cửa hàng Điện Máy Xanh (đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TPHCM) tư vấn cho chúng tôi.
Người tiêu dùng cân nhắc chọn mua tủ lạnh trước nhiều dòng sản phẩm được quảng cáo có khả năng khử mùi, diệt khuẩn |
Ngoài ra, theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, dòng sản phẩm trên còn có công nghệ diệt khuẩn với hệ thống làm lạnh đa chiều chứa ion âm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và thành tủ lạnh còn được tích hợp công nghệ kháng khuẩn phân tử bạc Ag+ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giữ cho không gian tủ luôn sạch hơn và bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Đệm cửa tủ lạnh cũng được làm bằng cao su, có chất kháng khuẩn với nam châm bên trong giữ hơi lạnh tốt hơn giúp giữ thực phẩm tươi ngon lâu hơn...
Tương tự, các dòng tủ lạnh Aqua cũng quảng cáo hàng loạt công nghệ mà người tiêu dùng (NTD) bình thường khó hiểu được, như: công nghệ Nano Fresh Ag+ có thể tiêu diệt vi khuẩn; DEO Fresh khử mùi diệt khuẩn bằng ion bạc Ag+; rồi tính năng diệt khuẩn khử mùi Dynamic ABT; công nghệ kháng khuẩn khử mùi T.ABT ngăn chặn đến 99% nấm mốc; bộ lọc carbon hoạt tính; đèn UV LED của tủ lạnh Aqua dùng đèn LED tia cực tím có bước sóng UVA giúp tiêu diệt các vi khuẩn...
Giới thiệu nhiều tính năng là vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi “cuối cùng công nghệ nào là chính để khử mùi, diệt khuẩn”, người bán cũng lúng túng, trả lời qua loa “họ áp dụng đủ các công nghệ này” (!?). Chưa hết, tủ lạnh hãng Aqua còn được giới thiệu có công nghệ Plasma, không những “diệt khuẩn, khử mùi” mà còn “phân giải dư lượng nitrat và một phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp thực phẩm luôn tươi ngon và an toàn hơn”, “chức năng Vitamin Pro 5+ giúp cân bằng độ ẩm, khử khí etylen giúp cho rau củ không bị héo úa, cung cấp vitamin C giúp thực phẩm không bị ô-xy hóa”...
Nhiều tủ lạnh được thổi phồng tính năng để bán hàng |
“Thổi phồng” tính năng để bán hàng?
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Đại học Bách Khoa Hà Nội - phân tích: các nhà sản xuất (NSX) tủ lạnh hoàn toàn có khả năng tích hợp được chức năng khử mùi, diệt khuẩn cho tủ lạnh. Tuy nhiên, hiệu quả khử mùi, diệt khuẩn của tủ lạnh không đạt tới mức “loại trừ đến 99% vi khuẩn” như quảng cáo mà chỉ ở một mức độ nhất định. Phần lớn NSX quảng cáo thổi phồng tính năng để bán hàng, không có cơ sở chứng minh. Các chức năng khử mùi, diệt khuẩn của tủ lạnh phải được cơ quan thẩm định đánh giá, cấp giấy chứng nhận thì mới thuyết phục được NTD.
Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, hầu hết các nội dung quảng cáo về tính năng khử mùi, diệt khuẩn của tủ lạnh “rất kêu” song trên thực tế, có rất nhiều cách có thể khử mùi, diệt khuẩn đơn giản cho tủ lạnh. NSX chỉ cần trang bị một thiết bị đèn phát ra tia cực tím UV. Tia này không sinh nhiệt, không làm tủ lạnh mất nhiệt mà lại diệt được khuẩn. Tủ lạnh đóng kín lại thì đèn UV sáng lên để diệt khuẩn, khi mở tủ lạnh, đèn UV tắt sẽ không ảnh hưởng đến người sử dụng. Kỹ thuật này thực tế khá đơn giản, NSX có thể áp dụng để tăng hiệu quả diệt khuẩn cho tủ lạnh mà NTD cũng dễ hiểu hơn.
Ngoài ra, mùi trong tủ lạnh thường xuất phát từ thức ăn nặng mùi (sầu riêng, cá...) và mùi còn do quá trình phân giải vi sinh vật từ thức ăn bị hỏng. Để khử mùi, NSX có thể trang bị một hệ thống quạt, khi đóng tủ lạnh lại, quạt sẽ hút không khí đi qua cửa khử mùi, rồi nhả không khí ngược lại. Dù vậy, mùi trong tủ lạnh chỉ giảm đi phần nào chứ không thể mất tuyệt đối. Phương pháp này cũng rất đơn giản, thực tế một số hãng đã sản xuất tủ lạnh có tích hợp kỹ thuật khử mùi này.
Phó giáo sư - tiến sĩ Thịnh cho rằng, các NSX tủ lạnh quảng cáo nhiều về ion âm nhưng cách nói này thật ra chỉ là vin vào công nghệ hiện đại để thuyết phục NTD. Thực tế, ion âm không mấy hiệu quả trong việc diệt khuẩn và quá trình tích hợp tạo ra ion âm trong thiết bị diệt khuẩn, khử mùi cực kỳ khó so với dùng đèn cực tím. Chưa kể, thông thường, nano bạc ở vị trí thành tủ lạnh hay ở vách ngăn của tủ lạnh… không có ý nghĩa gì, không hề diệt được vi khuẩn. Nano bạc thực ra là một lớp sơn phủ, thức ăn không tiếp xúc trực tiếp lớp này thì không thể diệt khuẩn được.
“Mỗi đơn vị sản xuất có cách tích hợp hệ thống diệt khuẩn, khử mùi trong tủ lạnh khác nhau nhưng không nên quảng bá rằng công nghệ của mình có thể diệt được 99% vi khuẩn. Thực tế nếu công nghệ nào có thể diệt được 90% vi khuẩn đã là quá tốt, con số 99% phi thực tế. Tôi không biết các công nghệ diệt khuẩn, khử mùi các NSX quảng cáo thực sự có hiệu quả tới đâu vì hiện vẫn chưa có đánh giá nào về chức năng này của tủ lạnh. Nếu NSX công bố tủ lạnh của hãng có chức năng diệt khuẩn, khử mùi thì NSX phải yêu cầu cơ quan chức năng xác định, bằng cách gửi sản phẩm đến tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đánh giá khoa học”, phó giáo sư - tiến sĩ Thịnh phân tích.
Chuyên gia điện, điện lạnh Trần Hoàng Trọng Huy, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng cho rằng các hãng quảng cáo tủ lạnh có chức năng khử mùi, diệt khuẩn chỉ là tự công bố chứ không có đánh giá từ cơ quan thẩm định nên khó biết được hiệu quả thực sự. NSX quảng cáo thêm công nghệ mới thì giá thành sản phẩm cũng sẽ cao hơn các sản phẩm khác, có tủ lạnh giá đến mấy chục triệu đồng/sản phẩm, đây cũng là “chiêu” bán hàng.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Thịnh, hiện nay tủ lạnh nói chung đều có tích hợp tính năng khử mùi, diệt khuẩn tốt hơn so với tủ lạnh ngày xưa (chỉ làm lạnh) nhưng khó có thể diệt khuẩn, khử mùi 99%. Để tủ lạnh không trở thành “ổ vi khuẩn” gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm bảo quản, tốt nhất thì định kỳ mỗi ba tháng, NTD nên vệ sinh tủ lạnh bằng cách: lấy hết thực phẩm trong tủ lạnh ra, ngắt điện để xả tan lớp đá bám trên thành tủ lạnh (khiến tủ lạnh không truyền nhiệt tốt), dùng khăn sạch lau toàn bộ bên trong tủ... rồi mới bảo quản thực phẩm trở lại.
Ở một số nước, tủ lạnh có gắn thiết bị tự động xả đá, khi nhiệt độ bên trong tủ đạt đến một mức nhất định, thiết bị này sẽ ngắt máy lạnh, làm tủ lạnh nóng lên trong một thời gian ngắn, lớp đá tức thời bung ra tan thành nước. Đây là một cách vệ sinh tủ lạnh mà nhiệt độ vẫn đảm bảo bảo quản thực phẩm. Một số cách NTD thường làm như cho bã trà khô, bã cà phê vào tủ lạnh chỉ giúp khử mùi tủ lạnh chứ không diệt được vi khuẩn.
“Riêng theo quan điểm của tôi, hiệu quả diệt khuẩn, khử mùi của tủ lạnh không cao. Tủ lạnh thực sự rất bẩn, NTD phải vệ sinh, lau chùi sạch sẽ định kỳ thường xuyên chứ không có công nghệ nào khử mùi, diệt khuẩn nổi; nếu có thì sau một thời gian sử dụng, chức năng này cũng mất đi chứ không duy trì hiệu quả lâu dài được”, chuyên gia Trọng Huy khuyến nghị.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)