Chủ động, tự quyết, không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào
Theo PGS.TS. Hà Văn Hội, Trưởng khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt với nhiều đối tác chủ chốt, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc… Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới.
Vì vậy, thích ứng với sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới, chủ động tham gia quá trình định hình những “luật chơi” mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ là một yêu cầu cấp thiết. Theo PGS.TS. Hà Văn Hội, khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, cần cân nhắc thận trọng trong quá trình thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại (FTA), bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ về kinh tế trong hội nhập quốc tế, cần khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào bên ngoài, cách tiếp cận chỉ nhìn cục bộ, trước mắt, không thấy tổng thể và lâu dài. Đặc biệt, cần phải kiên quyết chống lợi ích nhóm làm tổn hại lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nguồn lực, cân bằng chiến lược phát triển với các đối tác khác nhau trên cơ sở đảm bảo tính chủ động, tự quyết, không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào”, PGS.TS. Hà Văn Hội nêu ý kiến.
Ông Hội cho rằng, tham gia FTA đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, việc sửa đổi, cập nhật hệ thống chính sách, pháp luật về kinh tế phải có lộ trình, bước đi thận trọng, để vừa củng cố độc lập, tự chủ, vừa hội nhập quốc tế thành công.
“Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông Hội nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp nhận đầu tư có chọn lọc. “Không thể đánh đổi bằng mọi giá. Không thể vì phát triển mà thu hút FDI với bất cứ giá nào làm ảnh hưởng tới an ninh và chủ quyền quốc gia”.
Trong bối cảnh đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, PGS.TS. Hà Văn Hội khuyến nghị Việt Nam thực thi các nguyên tắc cơ bản là chủ động, bản lĩnh và chọn lọc để giữ được độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế phải quán triệt tư tưởng độc lập, tự chủ kinh tế trong điều kiện mới, vừa theo kịp xu thế chung, vừa bảo đảm kinh tế nội địa phát triển vững chắc, phục vụ tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chiến lược thông tuệ để đưa Việt Nam tiến đến hùng cường
Chia sẻ kinh nghiệm và thành công của Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, tự lực tự cường là ý thức và phương châm không ngừng nâng cao sức mạnh nền tảng và cốt lõi của dân tộc trong nỗ lực phát triển. Bài học của Singapore chính là tính bền vững và khả năng chống chịu; sức mạnh của quốc gia được tạo nên từ những giá trị kế thừa của phần còn lại của thế giới.
Khẳng định Việt Nam đang đứng trước những vận hội rất lớn để viết lên một trang sử mới rất vẻ vang cho dân tộc mình, PGS.TS. Minh Khương cho rằng, Việt Nam có thể khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng với nguồn lực toàn cầu thông qua chiến lược thông tuệ và nỗ lực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
“Phải nắm bắt xu thế thời đại đi đầu trong dòng chảy đổi mới, phải làm sao để chúng ta trở thành ngọn hải đăng để phần còn lại của thế giới thấy rằng chúng ta đi đến phồn vinh như thế nào, hội nhập với thế giới tốt như thế nào và nắm bắt khoa học công nghệ sẽ đi nhanh như thế nào”, PGS.TS. Minh Khương nói.
Chiến lược thông tuệ theo ông Khương còn thể hiện qua sự khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng: “1+1 phải bằng 11 chứ không phải chỉ bằng 2 hoặc bé đi. Đây là một sự cộng hưởng mà người Việt Nam trong gần 4 thập kỷ đổi mới vừa qua đã chứng minh rằng chúng ta có tính cộng hưởng rất cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa phát huy được hết sự cộng hưởng này và cần phát huy trong thời gian tới”.
Đặc biệt, chiến lược thông tuệ còn là luôn luôn phải tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại để nắm bắt công nghệ, kinh nghiệm của thế giới. Người dân nỗ lực học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại và kinh nghiệm phát triển hay nhất của thế giới; nêu cao ý thức trong xây dựng năng lực kiến tạo giá trị của toàn xã hội, đặc biệt về thể chế, con người và văn hóa./.