Từng mong muốn bán kim chi ở chợ để thay dưa món, thế rồi phải đổ đi 5 tấn
“Nhắc đến kim chi, tôi lại nhớ đến “đứa con” đã gả đi. Cách đây 15 năm, tôi gặp ông Kim (Kim Tae Kon), sếp của tôi lúc đó”, bà Hạnh xúc động nhớ lại.
Ông Kim giờ là phu quân của bà Hạnh.
Năm 1994, ông Kim đến Việt Nam, ban đầu là để hỗ trợ doanh nghiệp may mặc của một người thân. Ông làm trong lĩnh vực quảng cáo. Do khủng hoảng kinh tế, năm 1999, ông quay trở về Hàn Quốc.
5 năm sau đó, ông trở lại Việt Nam với một ít vốn. Ông thuê văn phòng với 20 nhân viên người Việt và khởi nghiệp trong ngành thương mại điện tử.
Ngày đó, thương mại điện tử còn rất lạ lẫm ở Việt Nam. Nhiều tháng trời, công ty không có lãi.
Là người Hàn Quốc nên ngày nào ông Kim cũng ăn kim chi. Và ông thường chia sẻ phần kim chi của mình cho nhân viên người Việt. Ông thấy họ rất thích ăn kim chi và nảy ra ý định làm kim chi bán.
Ông nhờ bà Kim Hạnh mua nguyên liệu. Cả thảy gần 20 loại rau củ quả.
“Ban đầu chúng tôi định hướng thị trường là chợ, thay món dưa hàng ngày. Khoảng 22 Tết chúng tôi tuyển 5 sales để giao ở chợ. Ngày thứ 2, chúng tôi chạy đến các cửa hàng để kiểm tra và thấy không bán được chút nào. Chủ cửa hàng họ giấu hàng, họ chỉ lấy cho mình vui. Một phần cũng vì họ quá bận. Nếu mình cho nhân viên đứng đó giới thiệu cũng không được vì cửa hàng chật quá”, bà Hạnh kể.
5 ngày qua đi, bà Hạnh và ông Kim quyết định hủy 5 tấn kim chi trong kho để thay đổi chiến lược. 5 tấn kim chi là tài sản lớn của ông Kim lúc bấy giờ.
Năm 2014, sau khi bỏ đi 5 tấn kim chi, ông Kim và bà Hạnh nhắm tới siêu thị. Bà Hạnh quyết định lấy sổ tiết kiệm và bán luôn chiếc xe gắn máy để làm tiếp kim chi. Kế hoạch tiếp theo là làm 50 kg kim chi thật ngon để chào hàng tại siêu thị.
“Chúng tôi chào hàng tại Citimark. Tôi nói quản lý siêu thị rằng chúng tôi giao hàng cả Tết luôn, không nghỉ Tết. Họ thấy bao bì bắt mắt, chất lượng tốt thì chấp nhận luôn”, bà Hạnh kể.
Và cứ thế, kim chi Ông Kim’s đến với các siêu thị. Hai người chủ cũng gắn kết nhau, trở thành người trong cùng một gia đình tự khi nào.
Đến đầu năm 2016, Kim & Kim có tới 200 nhân viên, tăng trưởng nhiều năm đạt 50%.
Từ kim chi đến cà phê
Sau hơn 10 năm dày công xây dựng và làm nên thương hiệu Kim Chi nổi tiếng Ông Kim’s, vợ chồng ông Kim - bà Hạnh đã quyết định chuyển nhượng thương hiệu này cho Tập đoàn CJ. Quyết định này được xem như việc “gả” đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng doanh nhân này.
“Chuyện bán thương hiệu kim chi Ông Kim’s giống như nuôi một người con gái đã lớn, đến tuổi cập kê thì phải gả cho chàng rể nào thật môn đăng hộ đối, một gia đình đàng hoàng”, bà Hạnh cho biết.
Theo bà Hạnh, “đứa con thứ hai” thường thông minh, sắc sảo hơn con đầu. Và đứa con thứ hai của vợ chồng ông Kim - bà Hạnh chính là cà phê. Bà Hạnh đang trên đường chinh phục cà phê, mà theo bà, "sẽ hứa hẹn một tương lai xán lạn".
Vợ chồng doanh nhân Kim Tae Kon và Kim Hạnh. Ảnh: Nhịp Cầu Đầu Tư
Người con thứ hai của bà Kim Hạnh chính là cà phê. Và bà đã “thai nghén” nó từ khi “con gái đầu lòng” vẫn đang ở nhà với “bố mẹ”.
Nữ doanh nhân kể, một lần tìm nguồn cà phê Việt tin cậy để bán cho các thương gia Hàn, bàHạnh được biết trong nhóm bạn có một người đã nghiên cứu về cà phê trong 7 năm qua, nhất là cà phê Specialty. Đó là một nghệ nhân cà phê lành nghề có trong tay 60-70 công thức rang.
Càng tiếp xúc với người bạn này, bàHạnh càng hiểu ra nhiều điều thú vị. Dù sinh ra trong một gia đình trồng cà phê từ nhỏ nhưng những kiến thức, những trải nghiệm trong những lần tới nơi người bạn này nghiên cứu, như mở ra một thế giới mới về loại thức uống này, từ cách rang, xay để giữ được hương vị tuyệt vời nhất mà không cần dùng đến hương liệu nào.
"Việt Nam mình tuyệt vời lắm nhưng bạn ấy rất xấu hổ vì dân uống cà phê 3D: Đen, đậm, đắng”, bà Kim Hạnh kể lại lời của bạn mình.
Người bạn này chỉ đơn thuần làm về nghiên cứu và gợi ý bà có thể làm về kinh doanh. Và lúc đó, ý định “gả bán” kim chi Ông Kim’s càng thôi thúc hơn nữa, để bà có thể tập trung đầu tư cho cà phê.
Chất lượng thấp, hạt cà phê lỗi nhiều, giá thấp… “giết” hạt cà phê Việt Nam
“Tại Việt Nam rất ít có người làm nên tôi muốn dùng hạt cà phê Việt Nam để làm specialty, và đây là thị trường cà phê thời thượng”, bà Hạnh cho biết.
Theo bà, thị trường cà phê luôn có những người đẳng cấp, những người sành sỏi, những doanh nhân có nhu cầu đặc biệt, họ cần có thứ cà phê đặc biệt với chất lượng cao, và đó sẽ là cà phê specialty – cà phê “quý tộc”.
Hiện nay, bà Hạnh đã phát triển thương hiệu Yellow Chair Specialty Coffee để đáp ứng nhu cầu này.
Theo bà Hạnh, cà phê specialty rất khác cách làm hiện nay. Cà phê specialty được hái từng trái, không như cách thu hoạch cà phê tuốt từng chùm như bây giờ.
“Tại sao mình tuốt mà nước khác không tuốt. Theo bà Hạnh, đó là do văn hóa, do cà phê Việt Nam chín vào dịp Noel, giáp tết, mùa này thiếu nhân công, và nhân công mắc, người đầu tư tiết kiệm chi phí để cho nhanh, nên họ hái hết cả xanh, chín, về đem phơi nắng…
Vì vậy chất lượng của mình thấp, hạt lỗi nhiều, giá thấp… chính thói quen đó đã giết cà phê Việt”.
Nói về vị của cà phê specialty, bà Hạnh tả: người dùng thấy mùi hương trái cây, đơn giản đó là trái cây, có chín vàng, chín đỏ, có vị ngọt và chua, mùi thơm giống như trà hoa lài.
Chia sẻ về tương lai của cà phê specialty, bà Hạnh nói: Hiện tại tất cả các khách sạn cao cấp 5 sao của VN được giới thiệu sản phẩm này. Bên cạnh đó là tại Hàn Quốc, trong một làng đại học, tương lai chúng tôi sẽ mở ở Dubai, Mỹ, Ảrập…
“Chúng tôi đang hoàn thiện từ đội ngũ, con người để mở tiếp những điểm ở Sài Gòn”.