Chưa đầy 5 năm trước, ngành y tế Trung Quốc vốn là một hệ thống khép kín, chất lượng thấp. Những người giàu có nhất quốc gia này thậm chí còn phải sang nước ngoài để điều trị và mua thuốc, còn người nghèo nếu nhận được những chẩn đoán tồi tệ thì chính là bản án tử hình dành cho họ. Thế nhưng, giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực trở thành một nơi mà các bệnh nhân có thể sử dụng những loạt thuốc và dịch vụ tốt, nhanh, có giá rẻ hơn bất kỳ nơi nào khác.
Trung Quốc giờ đây đã bắt kịp Mỹ trong một số nghiên cứu y tế quan trọng và kỳ vọng sẽ vượt tỷ lệ bệnh nhân/bác sĩ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chịu áp lực từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Dịch vụ y tế đầu tiên trên thế giới có mức giá chỉ bằng một phần so với người dân ở các quốc gia khác phải chi trả, đặc biệt là Mỹ. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào các bệnh viện công trong 5 năm qua, lên tới 38 tỷ USD. Chính phủ nước này muốn chứng kiến một ngành công nghiệp chăm sóc sức khoẻ đạt giá trị 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030, gấp đôi so với quy mô hiện tại.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chi phí sẽ khó hơn nhiều khi thực hiện kế hoạch này. Bắc Kinh muốn các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới "đi lùi" bằng cách hạ giá sản phẩm nhằm tiếp cận được với nhiều bệnh nhân hơn. Đối với các loại thuốc mới, các sản phẩm của Pfizer cho đến Roche đã đồng ý giảm giá tới 70%. Đây là một động thái hướng đến sự cân bằng chưa từng có tiền lệ và kết quả không chỉ ảnh hưởng đến hàng tỷ bệnh nhân của Trung Quốc, mà còn là tương lai của ngành chăm sóc sức khoẻ trên toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào các bệnh viện công và cải tổ hệ thống phê duyệt thuốc. Một số loại thuốc nước ngoài và trường hợp thử nghiệm lâm sàng đang được phê duyệt nhanh hơn ở Mỹ.
Quốc gia này mong muốn cung cấp loại thuốc và dịch vụ chăm sóc tốt nhất nhưng lại không muốn chi quá nhiều tiền, vì có thể quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chịu áp lực nặng nề. Để chi trả cho những loại thuốc này mà không gây thất thoát ngân sách quốc gia, họ yêu cầu các công ty dược phẩm toàn cầu hạ giá mạnh thì mới có cơ hội tiếp cận được hàng tỷ bệnh nhân của nước này.
Đối với thuốc gốc, giá của loại sản phẩm này đã giảm trung bình 52% cho tới nay, nhờ chương trình mua số lượng lớn của chính phủ. Tất cả những động thái này đã thu hút được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho không gian của các start-up trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học đang phát triển. Trong khi đó, những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới như Roche và Merck đang chứng kiến doanh thu ngày càng tăng ở quốc gia châu Á này.
Dẫu vậy, việc cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ không thể tránh được những thách thức. Quy mô bệnh nhân ở Trung Quốc, dù là bệnh ung thư, bệnh hiếm hay đơn giản là bệnh tuổi già, lớn hơn tất cả các quốc gia khác từng phải đối mặt.
Không chỉ sức khoẻ của hàng triệu người dân Trung Quốc đang là thách thức đối với họ, mà còn cả tương lai của ngành chăm sóc sức khoẻ toàn cầu. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tạo ra một hệ thống y tế chất lượng cao, giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và kiểm soát các loại chi phí, trong khi vẫn khuyến khích những nghiên cứu tiên tiến, khiến cả thế giới phải dõi theo.