Giá HRC tại Mỹ tăng 220% từ đầu năm 2020, dự báo đạt đỉnh trong quý 3
Giá thép đã tăng gần 220% kể từ ngày 1/1/2020. Mức giá chuẩn cho thép cuộn cán nóng (HRC) chạm 1.880 USD vào cuối tuần trước. Trước khi đại dịch diễn ra, mức giá dao động chỉ từ 500 – 800 USD.
Giá HRC đã tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2020
Giá thép "cắt cổ" thúc đẩy mức giá bán của mọi thứ, từ ô tô, bàn là, lò nướng… Nhu cầu cao với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thép dẫn đến tình trạng thiếu thép tại Mỹ.
Khi đại dịch lần đầu diễn ra, các bang đã tiến hành đóng cửa nghiêm ngặt khiến các nhà máy thép giảm sản lượng. Người Mỹ kẹt ở nhà bắt đầu sử dụng tiền đi du lịch, ăn uống chi cho đồ dùng trong nhà, bao gồm các loại máy móc. Thêm vào đó, việc bùng nổ xây dựng nhà cửa cũng làm tăng nhu cầu với các thiết bị này. Sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao và nguồn cung ở mức thấp khiến giá cả leo thang.
Các ông lớn trong ngành sản xuất thép như United Steel Corporation và Cleverland – Cliffs năm ngoái đã mua lại SK Steel với giá 1,1 tỷ USD và các nhà máy của ArcelorMittal (Mỹ) với giá 1,4 tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất. Tuy nhiên, kế hoạch này bị đình trệ bởi thị trường lao động ngày càng thắt chặt.
Chuyên gia về thép tại Fastmarkets nói với Fortune: "Việc bổ sung năng lực sản xuất thép của Mỹ tiếp tục bị trì hoãn, các nhà máy gặp nhiều gián đoạn so với kế hoạch ban đầu. Việc tìm nguồn cung ứng và lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra tác động sâu rộng. Do đó, việc xây dựng và khởi động các dự án sản xuất thép mới không tránh khỏi thách thức".
Fastmarkets dự báo giá thép HRC có thể đạt đỉnh trong quý 3 (khoảng 1.900 – 2.000 USD/tấn). Sau đó sẽ có sự điều chỉnh giảm nhẹ vào năm 2022 khi các nhà máy bắt kịp nhu cầu. Tổ chức này cũng đưa ra dự báo giá HRC sẽ ở mức trung bình 1.250 USD/tấn trong năm tới.
Nhưng ngay cả khi HRC giảm xuống 1.250 USD, mức điều chỉnh rơi vào khoảng 34%. Một mặt hàng khác đã tăng mạnh từ sau đại dịch là gỗ xẻ đã giảm 71% từ mức đỉnh tháng Năm năm nay.
Giá gỗ gần như "sụp đổ" kể từ mức đỉnh tháng 5, nhưng điều này sẽ không đúng với thép
Theo Fortune, giá thép sẽ không đi theo bước chân của gỗ vì ít phụ thuộc vào các dự án DIY (Do It Yourself). Nhiều ngành thâm dụng thép đang chứng kiến nhu cầu cao hơn khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Thậm chí nhu cầu thép có thể tăng lên. Một khi tình trạng thiếu chip toàn cầu được giảm bớt, các nhà sản xuất ô tô sẽ như được "tháo gông" có thể tăng cường sản xuất. Điều này dẫn đến nhu cầu thép là rất lớn.
Trung Quốc cắt giảm mạnh sản lượng trong cuộc chiến biến đổi khí hậuTrung Quốc đang thực hiện những cam kết hạn chế ô nhiễm công nghiệp sau khi sản lượng thép tăng cao nửa đầu năm khiến lượng phát thải tăng cao.
Nước này sẽ hạn chế sản lượng thép thô trong năm nay ở mức không cao hơn 1,065 tỷ tấn của năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà sản xuất thép sẽ phải cắt giảm sản lượng khoảng 10% trong thời gian còn lại của năm 2021 so với mức kỷ lục nửa đầu năm (tính toán của Reuters).
Trung Quốc dự kiến cắt giảm 10% sản lượng thép trong nửa cuối năm
Tuy nhiên, với việc giá thép ở gần mức cao kỷ lục trong bối cảnh bùng nổ xây dựng và sản xuất nhờ các biện pháp kích thích, bất kỳ sự cắt giảm nguồn cung bắt buộc nào cũng có thể thúc đẩy lạm phát nguyên liệu thô, khiến giá thép sản xuất tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Các nhà phân tích cho rằng, sẽ không dễ dàng để Trung Quốc cân bằng mục tiêu phát thải và mục tiêu kinh tế; nhưng họ sẽ cố gắng giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tăng thuế xuất khẩu và tăng lượng nhập khẩu.
Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, đóng góp gần 31% lượng khí thải carbon toàn cầu (theo BP). Vì thế, quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định có thể đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải trên toàn cầu hay không. Ngành thép với nhu cầu điện năng khổng lồ, chiếm khoảng 15% tổng lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm sản lượng nếu được thực thi nghiêm ngặt có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trên thị trường Trung Quốc.
Để đối phó với điều này, Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu thép hai lần trong ba tháng, dỡ bỏ các khoản giảm thuế xuất khẩu với gần 170 sản phẩm thép.
Dù vậy, vẫn còn khoảng trống giữa cung và cầu, được tính toán vào khoảng 5% trong nửa cuối năm.
Phân tích của Jinrui Capital cho rằng, xung đột cung cầu sẽ khiến giá thép tăng ở mức cao. Những một số ý kiến cũng tỏ ra ít bi quan hơn về tác động của cắt giảm sản lượng đến giá thép.
Nhà sản xuất thép số một Đông Nam Á chớp lấy cơ hội
Cây viết của Nikkei Asia cho rằng động thái siết chặt sản lượng của Bắc Kinh với các nhà sản xuất thép tạo điều kiện cho các công ty Đông Nam Á như Hòa Phát của Việt có cơ hội mở rộng.
Hoà Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và đang có kế hoạch khởi công lò cao tổng mức đầu tư 3,7 tỷ USD vào đầu năm 2022.
Chủ tịch Hòa Phát – ông Trần Đình Long nói rằng, nhu cầu thép là rất lớn ở Việt Nam, do đó có sự tin tưởng vào khoản đầu tư này.
Lò cao mới có thể giúp Hòa Phát bổ sung thêm 5,6 triệu tấn thép (tăng 70%) vào công suất hàng năm, lên mức 14 triệu (bao gồm 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây).
Động thái của Hòa Phát một phần đến từ việc Trung Quốc đang cắt giảm xuất khẩu thép. Quốc gia tỷ dân là nơi sản xuất gần 60% lượng thép thô toàn cầu. Những năm trước đây, sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Điều này kết hợp với sự hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch đã tạo động lực lớn cho nhà sản xuất thép Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát sản xuất 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60%. Doanh thu thuần đạt mức 66.295 tỷ đồng, tăng 67%; lợi nhuận sau thuế 16.751 tỷ đồng, tăng 231%.
Việt Nam hiện là nhà sản xuất và tiêu thu thép lớn nhất Đông Nam Á. Năm ngoái, sản lượng thép thô đạt 19,5 triệu tấn, tăng 11%. Con số này đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Theo Nikkei Asia, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tự cung cấp về thép cuộn cán nóng trong nhiều năm. Nhu cầu hàng năm của Việt Nam với vật liệu này phục vụ cho sản xuất khoảng 12 triệu tấn.
Thực tế, Hòa Phát bắt đầu sản xuất HRC vào năm ngoái, cùng với FHS. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, chiếm một nửa nguồn cung. Phần lớn số này từ Trung Quốc khiến thị trường Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của Bắc Kinh hoặc các công ty hàng đầu nước này. Lò cao mới của Hòa Phát nếu hoàn thành sẽ đủ công suất thay thế phần lớn hàng nhập khẩu.
Sắt thép chính là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, trị giá 5,6 tỷ USD, tăng 121% so với cùng kỳ. Lượng sắt thép nhập khẩu đạt hơn 8 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ. Về giá trị đạt 6,79 tỷ USD, tăng 42,4%.
Theo hiệp Hiệp hội Thép Việt Nam, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Asean, Trung Quốc, EU, Mỹ, Anh… Trong đó Asean chiếm khoảng 1/3, Trung Quốc chiếm 1/5, EU chiếm 1/10 và Mỹ chiếm 1/20.