Theo Tổng cục Thống kê tính đến năm 2023 quy mô nền kinh tế Việt Nam theo GDP ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Như vậy, để đạt được mức thu nhập 7.500 USD/người vào năm 2030, nhiệm vụ 6 năm nữa, mức tăng thu nhập GDP/người của Việt Nam vượt hơn 3.200 USD, tương ứng mỗi năm thu nhập GDP/người của Việt Nam phải tăng 533 USD/người/năm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục đích của Chương trình nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, Chính phủ thực hiện các quyết tâm chiến lược, trong đó phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%.
Thực tế, trong 5 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam dù trồi sụt do chịu tác động của đại dịch Covdi-19 và những tác động bất ổn chính trị thế giới song thu nhập bình quân GDP/người luôn tăng.
Năm 2019 GDP tăng trưởng ấn tượng 7,02%, hai năm 2020-2021 giảm xuống còn 2,91% đến 2,85% do tác động của đại dịch Covid-19. Thu nhập bình quân GDP/người của Việt Nam vẫn tăng, từ mức GDP/người/năm 2019 chỉ đạt 3.425,09 USD, hai năm tiếp theo đều tăng, năm 2020 tăng lên 3.526,27 USD/ năm, tăng 101,18 USD; năm 2021 là 3.694,02 USD/người/năm, tăng 268,9 USD.
Hai năm sau đó, 2022 và 2023, nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại, GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm 2021, GDP/người tăng lên 4.110 USD/người/năm, tăng 415 USD/năm; năm 2023 tăng trưởng GDP tăng 5,05% so với năm 2022, GDP/người tăng lên 4.284,5 USD, tăng 174 USD/năm.
Có thể khẳng định, GDP/người của Việt Nam trong 5 năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó đặc biệt hai năm Covid-19, dù GDP suy giảm, song thu nhập bình quân/người vẫn tăng khá.
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược của kinh tế Việt Nam, Chính phủ xác định năm 2030, Việt Nam phải lọt vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%...
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp...
Để thực hiện các mục tiêu lớn, Chính phủ đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.