Dollar Index sau khi chạm mốc 105 điểm vào ngày 14/06 đã có dấu hiệu quay đầu, song chỉ số này vẫn đang dược neo ở mức cao. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này đã tăng hơn 13,75%.
Cùng với đà tăng này, thị trường ngoại tệ tự do của Việt Nam đã có lúc leo lên mốc 24.000 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm ngày 24/06/2022 là 23.105 đồng/USD, tăng khoảng 16 đồng so với tuần trước.
Nguyên nhân nào thúc đẩy sự tăng giá của đồng đô la Mỹ?
Theo TS. Trương Văn Phước - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trên lý thuyết, tình hình lạm phát ở Mỹ thời gian vừa qua đã có thể kéo sức mua của đồng đô la Mỹ suy giảm. Từ đó, tỷ giá cũng có thể bị hạ thấp xuống. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà đồng USD chẳng những không giảm mà còn quay đầu tăng. Trong đó, có thể thấy rõ nhất 2 lý do:
Thứ nhất đó là những bất ổn địa chính trị tại Đông Âu. Điều này sẽ tác động đến tâm lý của giới đầu tư cũng như các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế, khiến họ có xu hướng tìm đến đồng đô la Mỹ.
Thứ hai là người ta đang có những kỳ vọng về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát tăng cao. Khi FED tăng lãi suất mạnh, điều này sẽ kéo theo đô la tăng giá mạnh.
Tác động của việc tỷ giá tăng lên nền kinh tế
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng quan điểm FED tăng lãi suất đã khiến tỷ giá tăng cao và nhận định những tác động của tỷ giá lên nền kinh tế.
Theo ông, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến cho đồng đô la mạnh lên. Các đồng tiền khác trong quan hệ với đô la sẽ yếu đi, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều mặt, từ tăng trưởng, việc làm, cho đến cả hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia.
"Ví dụ như các doanh nghiệp vẫn bán hàng với mức giá cũ, song khi quay về quay về đổi sang tiền Việt thì đã được nhiều hơn. Việc này xem như các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu lại có phần thiệt thòi vì đồng đô la lên giá, khiến cho đồng tiền trong nước thấp đi, giá thành, chi phí sản xuất cũng lớn lên", ông Thịnh nói.
Song không vì đồng đô la tăng giá mà doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có lợi. Khi USD lên giá thì người mua hàng cũng có thể mua ít hơn.
Một tác động khác của việc tăng lãi suất lên hoạt động xuất khẩu đó là chi phí đi vay cũng sẽ đắt đỏ hơn. Ở các quốc gia sử dụng nhiều tín dụng để mua hàng như Mỹ hoặc châu Âu, sức mua của các hộ gia đình và doanh nghiệp đều có thể giảm đi.
Điều này có nghĩa là tuy xét về mặt giá mặt giá, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi, nhưng về mặt lượng họ lại bán được ít hàng hơn.
Việc tỷ giá tăng cũng có thể khiến cho việc tìm kiếm các nguồn tài trợ có phần khó khăn hơn. Ví dụ như các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức gián tiếp có thể không còn "mặn mà" với những thị trường đang phát triển như trước và đưa dòng vốn quay về với nhóm đã phát triển.
Điều tương tự cũng sẽ có thể xảy ra với những nhà đầu tư trực tiếp, đặc biệt là nhóm đang chuẩn bị đầu tư. Theo đó họ sẽ có những sự đắn đo, cân nhắc nhất định trước khi đầu tư. Song nhìn chung, chuyên gia đánh giá sức ảnh hưởng của những tác động này là không quá lớn.
Việt Nam vẫn có thể lạc quan về tình hình tỷ giá?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều dư địa điều tiết thị trường. Tính đến cuối năm 2021 có khoảng 110 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Thời gian qua NHNN cũng đã bán lượng lớn USD để ổn định thị trường và gần đây lại phát đi tín hiệu sẵn sàng tham gia cung ứng ngoại tệ với tần suất nhiều hơn để điều tiết tỷ giá.
Còn theo TS. Trương Văn Phước, bên cạnh dự trữ ngoại hối cao, Việt Nam duy trì được cán cân thanh toán thặng dư trong thời gian qua cũng đã tạo một vị thế rất tích cực trong việc điều hành vĩ mô.
Nhìn chung, chúng ta vẫn có thể lạc quan về tình hình tỷ giá, nếu có điều chỉnh sẽ ở mức không lớn.