Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, OIL) mới đây, đáng chú ý là sự kiện ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc của Vietjet (VJC), đại diện cho nhóm cổ đông VJC ứng cử thành viên HĐQT. Hiện nhóm này đang sở hữu 9,8% vốn điều lệ của PVOil.
Được biết, trước đó Vietjet cùng với "người anh em" HDBank là hai trong bốn nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược PVOil. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ không đồng ý gia hạn thời gian chào bán nên đã dừng lại. Cũng tại Đại hội vừa qua, phát biểu liên quan đến việc không thể tham gia đợt chào bán, ông Nam khẳng định PVOil là công ty có tiềm năng rất lớn, được kỳ vọng tốt. Do đó, trong thời gian tới, Vietjet sẽ duy trì tỷ lệ như hiện nay, còn việc mua thêm cổ phần phải chờ quyết định Nhà nước về thoái vốn và quyết định của HĐQT.
Như vậy, có thể thấy việc đưa người vào HĐQT PVOil là một nước cờ khá hoàn hảo của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trên hành trình khép kín hệ sinh thái kinh tế tư nhân Nhà nước của mình, sau sự cố là "nhà đầu tư chiến lược hụt", bao gồm Vietjet, HDBank, Petrolimex, BSR và PVOil.
Giải quyết tối ưu bài toán nhiên liệu bay
Nếu như việc HDBank ký kết hợp tác chiến lược với "trùm" xăng dầu Petrolimex kỳ vọng giúp Vietjet có cơ hội hợp tác cho công ty nhiên liệu bay Petrolimex Aviation, công ty thành viên mà Petrolimex đang sở hữu. Thì việc đi sâu vào hợp tác với PVOil là một động thái giải quyết tối ưu bào toán nguồn nhiên liệu bay cho Vietjet, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh.
Bởi, với chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn, Vietjet phải chủ động tìm nguồn nhiên liệu chất lượng giá rẻ từ nước ngoài. Thậm chí phải thành lập một phòng chuyên nghiên cứu, dự báo diễn biến thị trường dầu thô và các hoạt động hegding trước các biến động giá.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của Vietjet, khi được hỏi "Công ty có kế hoạch ký hợp đồng chiến lược xăng dầu với các tập đoàn xăng dầu khác như PVOil… không?", chính bà Thảo cũng khẳng định: "Xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành hãng hàng không. Chưa kể trong xăng dầu có các tỷ lệ về phí thuế tại giá, cùng với đó là lượng hao hụt trong quá trình sử dụng... Việc tạo mối quan hệ với đối tác kinh doanh xăng dầu là điều ai cũng muốn".
Ở chiều ngược lại, theo đơn vị tư vấn là Chứng khoán Bản Việt (VCSC), hoạt động phân phối nhiên liệu máy bay cũng là một cơ hội mới cho PVOil. VCSC cho rằng, hiện thị trường này đang tăng trưởng mạnh nhưng có rất ít nhà cung cấp. Theo Wood Mackenzie, tiêu thụ dầu nhiên liệu hàng không trong 5 năm qua đã tăng 10,4% và dự báo trong các năm 2018-2020 sẽ tăng 8,5%/năm.
Tuy nhu cầu hiện tăng trưởng mạnh nhưng chỉ có hai nhà cung cấp trên thị trường là CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA, công ty con của PLX) và Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec, công ty con của Vietnam Airlines), đây là một lĩnh vực đầy hấp dẫn này sẽ mở ra cơ hội lớn cho PVOil.
PVOil có gì?
Về phía PVOil, hiện lợi thế lớn nhất của đơn vị này được quyền ưu tiên mua sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cụ thể, PVOil chỉ được ưu tiên mua sản phẩm chứ không có trách nhiệm bao tiêu, vì bao tiêu là việc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tức, PVOil được ưu tiên mua dầu tư Dung Quất (BSR) nhưng với giá rất cạnh tranh – ngang bằng với giá bán cho các khách hàng khác. Thực tế, Việt Nam đang nhập khẩu 60% dầu, Dung Quất cung cấp được 40%. Tuy nhiên, với ưu thế được ưu tiên mua nên cơ cấu đầu vào PVOil có vẻ "nhỉnh" hơn, 55% dầu lấy từ Dung Quất và 45% còn lại phải nhập khẩu.
Mặt khác, với hệ thống phân phối bán lẻ, mặc dù không lớn bằng Petrolimex, tuy nhiên sự khác biệt về vị trí giữa hai đơn vị xăng dầu sẽ hỗ trợ phủ khắp cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Trung. Chưa kể, theo lộ trình phát triển, PVOil kế hoạch sẽ tăng mạnh mảng bán lẻ, tập trung theo hướng tăng số lượng cây xăng bằng cách mua đất xây cây xăng mới, mua lại cây xăng nhỏ lẻ của các cửa hàng hoặc M&A.
Cuối cùng, về tiềm lực tài chính, PVOil đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và tỷ lệ đòn bẩy âm. Trong đó, PVOil đang có dư tiền mặt và đầu tư ngắn hạn ổn định từ 270-300 triệu USD, trong khi tỷ lệ đòn bẩy trong các năm qua liên tục âm 36-38%.
Tính đến ngày 30/6/2017.
Đi cùng với đó, tình hình kinh doanh gần đây còn cho thấy một sự khởi sắc mạnh mẽ, tính đến cuối tháng 7, PVOil đã có 611 cửa hàng xăng dầu với khoảng 14.300 giao dịch, khối lượng trên 2.000 m3 xăng dầu. Theo đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 32.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế 370 tỷ đồng; trong đó công ty mẹ ước đạt 21.000 tỷ doanh thu và 360 tỷ lãi trước thuế.
Lên kế hoạch cho 5 tháng cuối năm, PVOil mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.240 tỷ và lãi trước thuế 130 tỷ đồng. Kế hoạch công ty mẹ là 11.000 tỷ doanh thu và 75 tỷ lợi nhuận. Như vậy, kế hoạch kinh doanh chung cho cả năm 2018 của Công ty tương đương doanh thu hợp nhất 43.240 tỷ, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ và lãi sau thuế 400 tỷ đồng.
Tuy trên đà tăng trưởng, song kế hoạch cho thời gian còn lại PVOil phải xây dựng trên kế hoạch thận trọng, căn cứ vào thực tế của cùng kỳ giai đoạn 2016-2017 do còn thuộc Nhà nước. Hiện, chính bản thân PVOil cũng đang cấp rút xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước mới nhằm tháo gỡ cơ chế, thu hút được cổ đông lớn để phát triển những tiềm lực.