Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương triển khai Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 4 từ ngày 15/4 - 15/9/2022.
Theo đó, để thể hiện vai trò chủ động nước nêu sáng kiến của Hải quan Việt Nam cũng như triển khai thực hiện thành công chiến dịch trong giai đoạn 4, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai có hiệu quả.
Cụ thể, các đơn vị tăng cường thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, nhằm xác định trọng điểm, cảnh bảo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Chiến dịch con rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018.
Hội nghị trực tuyến Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 3. Ảnh: VGP
Đến nay, chiến dịch đã triển khai qua 3 giai đoạn chính và 1 giai đoạn mở rộng với sự tham gia của 20 cơ quan Hải quan và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 1.203 vụ việc vi phạm vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã được thành viên báo cáo và nhập số liệu vào cơ sở hệ thống Mạng luới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm).
Theo đó, giai đoạn 1 của chiến dịch có 6 thành viên thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. 9 thành viên tham gia ở giai đoạn 2 gồm: Australia, Bangladesh, Brunei, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Singapore.
Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, giai đoạn 1 (kết thúc tháng 2/2019), các thành viên đã bắt giữ 164 vụ việc và gần 2.230 kg ma túy.
Giai đoạn 2 (kết thúc trong năm 2020), các thành viên đã phát hiện, bắt giữ tổng số 284 vụ buôn bán ma túy và động thực vật hoang dã; tang vật thu giữ lên đến gần 2.000 kg và gần 2 triệu viên ma túy các loại; gần 2.000 kg và hơn 1.500 sản phẩm động vật hoang dã, cùng gần 150 tấn và 1.000 m3 gỗ quý hiếm.
Giai đoạn 3, chiến dịch có sự tham gia của 23 cơ quan thực thi pháp luật từ 20 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn hành động của chiến dịch giai đoạn 3 đã ghi nhận bắt giữ 868 vụ việc, trong đó có 756 vụ bắt giữ ma túy và tiền chất bất hợp pháp; 112 vụ bắt giữ động vật hoang dã, buôn bán gỗ vi phạm Công ước CITES.