Giờ đây, những chiếc máy gặt khổng lồ có thể dọn sạch cả nửa mẫu ruộng chỉ trong vòng vài phút, giúp nông dân tiết kiệm tiền và sớm bán được lúa mì, thường được sử dụng để làm bánh mì phẳng Ấn Độ.
Chhaya Kharade, 36 tuổi, và những phụ nữ khác thường phụ việc đồng áng đã dần bị thay thế bởi máy móc hoạt động trên khắp các cánh đồng lúa mì, mía và hành tây xung quanh Chincholi, ngôi làng cách thủ đô Mumbai của Ấn Độ 190 km về phía đông.
“Lẽ ra tôi phải rất bận rộn, vì hiện đang là mùa thu hoạch lúa mì. Nhưng gần như chẳng có việc gì cho tôi cả. Hầu hết nông dân đều đang sử dụng máy móc”, Kharade nói trong ngôi nhà 2 gian của cô.
Chhaya Kharade, 36 tuổi. Ảnh: Reuters.
Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là những người với công việc bấp bênh, đang đối mặt với những gì các nhà kinh tế học và các chính trị gia đối lập mô tả là khủng hoảng việc làm tại Ấn Độ. Theo Trung tâm điều phối kinh tế Ấn Độ (CMIE), năm ngoái 90% trong khoảng 10 triệu việc làm bị mất thuộc về phụ nữ.
Nhiều phụ nữ thất nghiệp cho biết họ đang bất bình với Thủ tướng Narendra Modi, một người dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu, lên nắm quyền vào năm 2014 với cam kết sẽ biến Ấn Độ trở thành cường quốc kinh tế nhưng thất bại trong việc tạo công ăn việc làm.
Trong khi Modi vẫn là ứng viên được yêu thích trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng tới, vấn đề thiếu việc làm – bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% của Ấn Độ - là mối lo ngại sâu sắc của cử tri.
“Chính quyền của Modi đã không làm gì để tạo việc làm trong khu vực này. Chúng tôi muốn bầu cho những người sẽ xây dựng các nhà máy và tạo công ăn việc làm”, Mumtaj Mulani, người phụ nữ 40 tuổi thường nhổ cỏ trên các cánh đồng kê ngọc trai quanh khu vực nói. Cô cho biết cô thường phải vất vả tìm việc làm do sự xuất hiện rộng rãi của máy móc.
Tỷ lệ lao động nữ giảm sút có thể ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển kinh tế của Ấn Độ và tiến bộ của quyền phụ nữ tại một quốc gia có tư tưởng bảo thủ sâu sắc.
“Với gần 50% lực lượng lao động không được sử dụng hết khả năng, Ấn Độ đang từ chối cơ hội tăng trưởng, đầu tư và tăng năng suất đang kế”, Milan Vaishnav, giám đốc chương trình Nam Á tại Carnegie Endowment cho biết.
“Các chi phí xã hội, dù không hữu hình, cũng tác động rất nghiêm trọng”, Vaishnav nói thêm, chỉ ra các nghiên cứu cho thấy phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế giúp giảm bất bình đẳng và đảm bảo tiếng nói của phụ nữ trong xã hội.
Xác định mức độ của vấn đề khá khó khăn, và chính quyền ông Modi đã trì hoãn việc công bố các dữ liệu việc làm gây tranh cãi.
Thống kê chính thức, được hé lộ trên tờ báo địa phương Business Standard vào tháng 2, cho thấy tỷ lệ lao động nữ chỉ đạt 23,3% trong khoảng 2017 – 2018, giảm khoảng 8% so với giai đoạn 2011 – 2012.
Ước tính của các công ty tư nhân còn đáng thất vọng hơn. Số liệu của CMIE cho thấy tỷ lệ này chỉ khoảng 10% giữa tháng 5 và tháng 8 năm 2018.
Ảnh: Reuters.
Khó khăn nhân đôi: Cấm tiền tệ và GST
Công bằng mà nói, thiếu việc do máy móc là vấn đề toàn cầu, nhưng phụ nữ Ấn Độ có ít cơ hội việc làm thay thế hơn cánh đàn ông. Và ở quốc gia trọng gia đình như Ấn Độ, phụ nữ làm công việc kinh tế thường bỏ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh thu nhập các gia đình đang tăng, ngày càng nhiều phụ nữ sẵn sàng ở nhà làm công việc nội trợ.
Tuy vậy, khi so sánh với các quốc gia có cùng mức thu nhập, tỷ lệ lao động nữ của Ấn Độ là “cả một sự khác biệt”, theo Vaishnav.
Các nhà kinh tế cho biết 2 chính sách kinh tế nổi bật của ông Modi – ngừng lưu hành tiền mệnh giá cao năm 2016 và áp dụng thuế hàng hóa quốc gia (GST) năm 2017 – đã ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn nam giới, vì họ có nguy cơ cao làm việc ở những nơi không chính thống, dễ bị bóc lột.
Lệnh cấm lưu hành tiền mệnh giá cao đã đẩy nền kinh tế tiền mặt, phi chính thức vào tình trạng hỗn loạn. Một năm sau, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn, không thể đối phó với sự phức tạp của GST hay việc tăng lãi suất.
“Nếu chỉ còn ít công việc hơn, ai sẽ là người bị bỏ lại? Phụ nữ sẽ từ bỏ, vì họ nhận mức lương thấp hơn. Đàn ông sẽ cạnh tranh trong môi trường việc làm khan hiếm”, giám đốc điều hành CMIE, Mahesh Vyas nói.
Ở Dharavi, khu ổ chuột tại Mumbai thuộc hàng lớn nhất châu Á, Farzana Begum, 33 tuổi, đã chật vật lo cho 5 đứa con của mình từ khi của hàng thuê cô khâu nút phải đóng cửa sau GST.
“Tôi đã cắt giảm tối đa các khoản chi cho quần áo và đồ ăn ngon”, Begum nói. “Nếu bạn hỏi tất cả người ở Dharavi, ai cũng đã bị giảm thu nhập, mất việc hoặc nhà máy phải đóng cửa sau GST”.
Sự thất vọng của cô đã lan sang cả phía bên kia đất nước, tại một ngôi làng gần thành phố phía đông Kolkata, nơi thu nhập của Nuren Nesa từ việc thêu sari giảm từ 700 rupee mỗi tuần xuống còn 300 sau lệnh cấm lưu hành tiền. Sau GST, công việc của cô bị đình trệ và máy thêu thì bám đầy bụi.
“Biện pháp cấm tiền tệ và GST của ông Modi đã lấy đi nguồn thu nhập của chúng tôi”, Nesa, 41 tuổi nói. Cô đã phải cho con trai thôi học đại học vì không thể tiếp tục trả học phí.
“Tôi sẽ bầu cho nhà lãnh đạo nào sẽ giúp chúng tôi có một công việc với thu nhập tử tế”, cô nói thêm.
Trong bối cảnh cuộc chiến giành phiếu bầu của phụ nữ đang nóng dần, ông Modi đã chỉ ra các chương trình trợ cấp nhà vệ sinh và bình ga nấu ăn như một minh chứng cho việc chính quyền của ông quan tâm đến phụ nữ. Tháng này, đảng đối lập chính, quốc hội, tuyên bố sẽ dành 1/3 công việc chính phủ liên bang cho phụ nữ nếu được bầu.
Ảnh: Reuters.
Vất vả khi thuê phụ nữ?
Vài chủ doanh nghiệp cho biết họ nhận được rất ít đơn xin việc từ phụ nữ.
“Chúng tôi không tìm được nhiều phụ nữ trong lĩnh vực hoạt động của mình, mặc dù chúng tôi muốn thuê phụ nữ nhiều hơn vì họ thường tận tâm, gắn bó với công việc hơn và có thể đảm nhiệm nhiều việc một lúc”, Vineet Pandey, người sở hữu công ty dịch vụ dọn phòng Kaarya Facilities & Service có trụ sở tại Mumbai và Hecqo.com, cho biết.
Phụ nữ Ấn Độ đôi khi không nhận các công việc xa nhà do lo cho sự an toàn của bản thân.
Tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc nhà máy thuộc các tập đoàn đa quốc gia thường thu hút nữ nhân công bằng cách cung cấp phương tiện đi lại sau các ca làm muộn, nhưng nhiều công việc khác buộc họ phải di chuyển trên các chuyến tàu và xe bus chật kín người tại các thành phố Ấn Độ đông đúc.
Một doanh nhân với hơn 1.000 công nhân nam tại nhà máy hóa chất miền nam Ấn Độ cho biết việc thuê thêm nhân công nữ đồng nghĩa với việc phải có thêm phòng tắm riêng và phương tiện giao thông buổi tối.
Ông cho rằng việc bỏ qua nam giới cũng sẽ gây ra căng thẳng tại Ấn Độ, nơi các thay đổi kinh tế và dòng chảy công nghệ mới đang thử thách kết cấu xã hội.
“Nông thôn là khu vực gia trưởng hơn, nếu chúng tôi giao việc cho phụ nữ thay vì nam giới, sẽ có những lời phàn nàn đến từ cánh đàn ông”, vị doanh nhân yêu cầu được giấu tên cho biết.
“Đây là vì mục đích duy trì sự hài hòa”.
Dù sao đi nữa, điều này cũng không còn quan trọng. Nhà máy của ông, đang khốn đốn với giá điện và phí vận chuyển, sẽ không thuê thêm người.