Trong 7 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục thế giới kể từ đầu mùa dịch, trung bình hơn 371.000 người/ngày. Ngày 1/5, nước này tiếp tục lập kỷ lục mới với hơn 392.000 ca bệnh mới.
Các bệnh viện quá tải, thiếu ôxy trầm trọng cho bệnh nhân nặng, còn nhân viên y tế không có đủ dụng cụ bảo hộ. Trong khi đó, các cơ sở y tế của Ấn Độ cũng không có đủ bộ kit xét nghiệm Covid-19 để xác định mức độ nghiêm trọng thực sự của tình hình.
Tuần qua, trung bình mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận hơn 3.300 người chết vì Covid-19 và lập kỷ lục hơn 3.600 trường hợp ngày 1/5.
Tình trạng thiếu ôxy tại các cơ sở y tế khiến nhiều bệnh nhân mất đi cơ hội được chữa trị. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ mới đây cho biết nước này có lượng ôxy cần thiết nhưng gặp phải vấn đề trong khâu vận chuyển từ các nhà máy công nghiệp tới các bệnh viện.
Theo các nhà chức trách, tình hình càng trở nên tồi tệ khi người dân đổ xô đi mua ôxy để tích trữ vì hoảng sợ. “Cơn sốt tích trữ thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir hay ôxy dùng tại nhà đang gây ra tình trạng khan hiếm các loại thuốc này", Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) cho biết.
Theo tờ Economist, chi phí của một liều Remdesivir trên thị trường chợ đen đã tăng từ 12 USD lên 600 USD.
Không chỉ vậy, tại các bệnh viện, tình trạng thiếu giường cũng như máy thở điều trị cho bệnh nhân nặng cũng đang trở nên nghiêm trọng.
“Hệ thống y tế của Ấn Độ đang đứng trên bờ vực sụp đổ", Ashish Jha, hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng Brown, cho biết, đồng thời kêu gọi Mỹ giúp Ấn Độ xây dựng các bệnh viện dã chiến để tăng số lượng giường bệnh.
Trước tình hình này, chính phủ các nước trên thế giới đồng loạt hỗ trợ Ấn Độ vượt qua khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng có trong lịch sử.
Tuần trước, Nhà Trắng đã gửi nhiều thiết bị, đồ dùng y tế cần thiết, bao gồm máy thở, bộ kit xét nghiệm và dụng cụ bảo hộ, cho Ấn Độ.
“Cũng giống như Ấn Độ hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi quá tải hồi đầu đại dịch, chúng tôi cũng hỗ trợ họ khi họ cần", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một đăng tải trên Twitter.
Hôm 26/4, một chuyến bay của hãng hàng không Ấn Độ Air India từ New York đã chở 328 máy tạo ôxy hạ cánh tại sân bayndira Gandh tại thành phố New Delhi.
15 quốc gia khác, gồm Nga, Pháp, Anh, Australia cũng gấp rút hỗ trợ dụng cụ cấp cứu giúp Ấn Độ vượt làn sóng Covid-19 thứ hai. Theo tổng hợp từ Bộ Ngoại giao các nước cho thấy họ đã gửi hàng trăm máy tạo oxy, mặt nạ thở và một lượng lớn oxy lỏng để giúp xoa dịu tình hình nguy cấp tại Ấn Độ.
Trong đó, Australia đã gửi 500 máy thở, 1 triệu khẩu trang phẫu thuật, 500.000 khẩu trang P2 và N95 cùng nhiều đồ dùng bảo hộ khác cho nhân viên y tế tuyến đầu của Ấn Độ.
Thậm chí Pakistan - quốc gia từ lâu đã có mâu thuẫn chính trị với Ấn Độ, cũng cam kết gửi thêm nhiều thiết bị và đồ dùng y tế cho Ấn Độ, bao gồm máy thở và máy tạo ôxy.
Nhà Trắng cũng cho biết sẽ đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất vaccine Covid-19.
“Mỹ đã xác định được các nguồn nguyên liệu thô khẩn cấp để Ấn Độ sản xuất vaccine Covishield và sẽ lập tức được cung cấp cho Ấn Độ", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết trong một thông cáo.
Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ tài chính cho BioE, nhà sản xuất vaccine chính của Ấn Độ, nhằm giúp công ty này sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2022.
Ấn Độ đang tụt hậu đáng kể so với các nước phát triển về tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Đến nay, nước này mới tiêm được 109 triệu người, con số ít ỏi so với dân số gần 1,4 tỷ người. Trong khi đó, hơn 41% dân số Mỹ đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính phủ, nhiều cá nhân tại Ấn Độ và trên khắp thế giới đã thông qua internet hỗ trợ cho những gia đình gặp khó khăn cũng như những tổ chức cứu trợ thực địa ở nước này.