Lợi nhuận quá cao!
Tân Hòa là một trong những xã có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nhì của huyện Tân Thạnh (Long An). Hàng trăm hecta đất lúa đang được máy móc đào thành ao nuôi cá. Giá cá tra “sốt” đến mức, một số ao nuôi chưa đến ngày thu hoạch đã có ghe, tàu trực sẵn, chỉ chờ chủ ao “duyệt” là “hốt” hàng.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa cho biết: Thống kê cuối năm 2017, diện tích nuôi cá tra toàn xã khoảng 25 hecta, với 32 hộ. Nhưng mới đây, con số này đã lên đến 75 ha, với 108 hộ dân. Hiện nhiều hộ dân đang đua nhau đào ao nuôi cá, mở rộng diện tích, có thể đến cuối năm 2018 sẽ tăng lên gần 200 ha. Giá cá tra tăng “chóng mặt”, khiến người dân đứng ngồi không yên.
Tự phát ồ ạt nuôi cá tra rủi ro cao.
“Hộ kế nhà tôi nuôi cá giống với diện tích 1,4 ha, ước tính khoảng 25 tấn, vừa bán cho thương lái, nếu trừ chi phí thu lời trên 600 triệu đồng. Nuôi cá giống trong vòng 3 tháng có thể thu hoạch. Cá tra giống hiện có giá 40.000 đồng/kg (35 - 40 con/kg), có thời điểm lên 70.000 đồng/kg. Nuôi cá lời gấp mấy lần làm lúa”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, 108 hộ nuôi cá giống tại xã chỉ có một hộ đã chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, 107 hộ còn lại không nằm trong quy hoạch, làm tự phát. Xã rất khó khăn trong việc xử lí. Nếu tính trung bình, trồng 1 hecta lúa một năm lời khoảng 70 triệu đồng, còn nuôi cá một vụ trúng gấp 10 lần, địa phương không thể nào cản người dân được vì lợi nhuận từ cá quá cao.
Người dân cho biết, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đã “vào cuộc” thuê đất ruộng để đào ao nuôi cá tra. “Tôi có 1 hecta đất ruộng vừa cho thuê với giá 50 triệu đồng/năm, kí hợp đồng có thời hạn đến 5 năm. Đa số đất ruộng được chọn thuê phải là đất mặt tiền giáp đường lộ hoặc gần sông để tiện cho việc vận chuyển”, một chủ đất cho biết.
Mạo hiểm
Dọc theo tuyến kênh Tân Thành- Lò Gạch của xã Bình Phú, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), hàng trăm hecta lúa vừa bị đào xới làm ao nuôi cá. Ông Nguyễn Văn Tân ngụ tại xã Tân Công cho biết ông là cán bộ công tác ở địa phương, nhưng trước tình hình cá được giá như hiện nay bản thân ông cũng muốn làm giàu: “Giờ có 3.000m2 đất ruộng, mỗi năm làm 3 vụ nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu. Lần này tôi quyết định cải tạo đất nuôi cá tra giống” - ông Tân nói. Mặc dầu cũng lo ngại một thời gian nữa giá cá giảm có thể người dân điêu đứng, nhưng ông vẫn quyết mạo hiểm một lần.
Theo một “nhà thầu” chuyên nhận đào ao tại địa phương: Tuỳ theo ao dành cho cá giống hoặc cá thịt mà có giá khác nhau. Trung bình tiền công đào ao khoảng 8 triệu đồng/1.000m2, nếu chủ ao có nhu cầu làm đầy đủ như làm bờ, làm đường dẫn nước… thì có giá 12 triệu đồng. Từ Tết đến giờ, người dân liên tục gọi điện kêu mà đào không kịp.
Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp vừa phát hiện một số xã trên địa bàn huyện Tân Hồng hàng chục hecta đất nông nghiệp được người dân tự ý đào ao nuôi cá, không có bất cứ sự cho phép nào của chính quyền. Tại 4 xã, có 9 trường hợp chuyển gần 18 ha đào ao không đúng quy định bị UBND huyện, xã lập biên bản xử phạt.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Văn Siêng - Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, trước tình trạng người dân ồ ạt đào ao nuôi cá, huyện thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra; thời gian qua đã xử lí 15 trường hợp vi phạm, phạt tiền và buộc lấp ao.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân không vì lợi nhuận trước mắt mà chạy theo phong trào, tự ý đào ao nuôi cá tự phát ngoài quy hoạch, sai quy định, đồng thời dẫn đến nguồn cung vượt cầu, về lâu dài rủi ro rất cao… Mấy năm trước đây trên địa bàn huyện cũng đã từng có nhiều trường hợp thua lỗ, treo ao vì giá cá rớt thê thảm” - ông Siêng cho biết.
Tính đến hết năm 2017, diện tích nuôi cá tra cả nước là 5.230ha (tăng 3,5% so cùng kỳ). Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Bến Tre chiếm đến 95% diện tích.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt khoảng 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản. Tuy nhiên, hai thị trường truyền thống của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU đã giảm lần lượt là 11% và 22,3% so với năm 2016. Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 nhập khẩu cá tra Việt Nam (chiếm tỉ trọng 23% so với 17,8% của năm 2016).
Năm 2018, dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, trong đó cá tra đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD (chiếm 31,5% kim ngạch toàn ngành thủy sản).