Từ đam mê chơi những chậu lan bình dân đến việc kinh doanh những chậu phong lan đột biến có giá hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng, nhiều thanh niên tại Lâm Đồng đã có cơ ngơi tiền tỷ sau nhiều năm miệt mài chăm sóc lan.
Xuất phát từ đam mê
Vài năm trở lại đây, tại các huyện của Lâm Đồng như Đức Trọng, Bảo Lộc, Lâm Hà… xuất hiện nhiều vườn phong lan với giá trị hàng tỷ đồng. Điều ngạc nhiên khi chủ nhân của những vườn phong lan này lại là những người thế hệ 8X, 9X. Trao đổi với phóng viên, những "ông chủ trẻ" này cho biết, họ đam mê rồi nhận thấy giá trị kinh tế cao của loại cây cảnh này nên đã chuyển qua kinh doanh.
Chàng trai Vũ Đức Nghi (trái) bên những giò phong lan giá trị của mình. Ảnh: Văn Long |
Anh Vũ Đức Nghi (23 tuổi, ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, sau 8 năm từ khi bắt đầu thú chơi phong lan, đến nay anh đã có vườn lan giá trị hơn 3 tỷ đồng. Không chỉ thỏa mãn đam mê, chàng trai 9X này còn kinh doanh các loại phong lan như trầm rồng đỏ, Hawaii tím, giả hạc chớp mỹ, giả hạc đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hòa Bình… với giá bán hàng triệu đồng/cm.
"Em chỉ học đến hết lớp 10 rồi xin gia đình nghỉ. Sau đó, xung quanh nhà có nhiều người chơi phong lan nên em hay sang chơi, tìm hiểu rồi đam mê lúc nào không biết. Sau 2 năm đi làm ngoài, em đã để ra được 20 triệu đồng và quyết định "khởi nghiệp" với đam mê của mình. Số tiền đó, em mua được 30 giò lan các loại, nhưng là những chậu bình dân" - Nghi kể khi dẫn phóng viên tham quan khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông.
"Người chơi lan nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi mua bán bởi hiện tại thị trường lan đột biến đã bị thổi giá lên rất nhiều. Cũng không loại trừ nhiều người vì lợi nhuận tạo ra lan đột biến bằng hình thức nuôi cấy mô, loại này ít hoa hoặc màu sắc hoa không đẹp"., anh Phan Đình Hậu |
Đến nay, với hơn 1 vạn chậu phong lan các loại, chàng trai 9X này có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vũ Đức Nghi cho biết trồng lan là công việc đem lại lợi nhuận khá cao. Khi người mua giống về thì có thể tự ươm ki, lấy giống mà không phải mua lần thứ 2.
Cũng giống như Vũ Đức Nghi, anh Phan Đình Hậu (32 tuổi, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) cũng "khởi nghiệp" thành công từ phong lan. Anh Hậu cho hay, chăm sóc và kinh doanh phong lan hiện nay có lời rất nhanh. Giá trị của một chậu lan giả hạc đột biến sau 1 năm chăm sóc sẽ bằng vài ha cà phê.
Anh Hậu nhẩm tính: "Với 1 mầm phong lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng Hiển Oanh, sau 1 năm nuôi sẽ dài được 1m. Từ thân đó, người nuôi sẽ làm được khoảng 30 ki, mỗi ki nhỏ này sẽ bán được với giá khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, sau 1 năm người ta có thể thu được hơn 400 triệu đồng. So với làm cà phê hiện nay thì một chậu lan bằng sản lượng của 4ha cà phê cộng lại. Công chăm sóc lại nhàn hạ hơn rất nhiều. Hơn nữa, người chơi chỉ phải đầu tư một lần".
Không chỉ chăm sóc lan đơn thuần, anh Hậu còn lắp ráp hệ thống tưới nước, đèn điện thắp sáng tự động, điều khiển qua điện thoại. Chính vì thế, dù có ở đâu, anh Hậu vẫn quản lý và chăm sóc được vườn lan của mình một cách tối ưu.
Không nên đổ xô đầu tư
Là một lĩnh vực đầu tư mới của người chơi cũng như các đại gia. Thế nhưng theo anh Phan Đình Hậu, người chơi không nên đổ xô đầu tư mua bán sẽ dẫn đến cung vượt quá cầu, nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực.
Chẳng hạn, vừa qua, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm về phong lan xuất hiện những vụ giao dịch phong lan với giá trị lớn. Số ít những giao dịch trên là thật, tuy nhiên nhiều giao dịch chỉ là làm giá để đẩy giá trên thị trường lên.
Từ đó, những người có phong lan đó sẽ bán được ki với giá cao, dù giá thị trường chưa đạt đến mức đó. Chính vì vậy, người đầu tư vào những loại phong lan đắt tiền như 5 cánh trắng Phú Thọ, Hiển Oanh… cần phải thận trọng để không bị "hớ".
Một số người chơi lan trên các hội nhóm cũng cho biết, việc bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư phong lan đột biến cũng gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, cùng một số tiền đó, người đam mê thực sự có thể mua rất nhiều chậu phong lan bình dân nhưng sai hoa, phát triển tốt... Chính vì vậy, việc đam mê và kinh doanh là hai việc khác nhau, phụ thuộc vào hoàn cảnh và kinh tế của từng người.
(Theo Dân Việt)